Thực tế hiện nay ngoài tiền lương (lương sản phẩm/lương thời gian), người lao động (NLĐ) còn được nhận thêm nhiều khoản khác như: hỗ trợ tiền cơm, hỗ trợ tiền xăng xe, hỗ trợ tiền điện thoại, hỗ trợ tiền nhà ở, tiền chuyên cần, phụ cấp trách nhiệm… và từ đó rất nhiều NLĐ thắc mắc không biết khoản nào được tính đóng/khoản nào không tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Vì thế, xin thông tin đểNLĐ nắm rõ những quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho chính mình trước khi cần đến sự can thiệp của cán bộ công đoàn cơ sở hoặc các ngành chức năng.
Công chức ngành BHXH đang xem xét các thủ tục của NLĐ (Ảnh sưu tầm)
Theo quy định tại khoản 2, điều 89, Luật BHXH 2014: Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động (NSDLĐ) quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động (Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động)
Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động đã quy định cụ thể:
Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do NSDLĐ xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định(Tại Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ (gọi tắt là Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH) hướng dẫn chi tiết:Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do NSDLĐ xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán).
Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh. (Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXHhướng dẫn chi tiết: Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ. Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động).
Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của NSDLĐ không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.(Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXHhướng dẫn chi tiết: Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể: (a) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. (b)Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động).
Như vậy, các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc sẽ là: Tiền lương; Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút; Phụ cấp có tính chất tương tự; Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương
Các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc:Điểm 2.3, khoản 2, điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH nêu rõ: Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác. Do đó, có thể xác định các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm: Tiền thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động; Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Tiền hỗ trợ xăng xe; Tiền hỗ trợ điện thoại; Tiền hỗ trợ đi lại; Tiền hỗ trợ nhà ở; Tiền hỗ trợ giữ trẻ; Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ; Tiền hỗ trợ khi người lao động có thân nhân chết; Tiền hỗ trợ khi người lao động có người thân kết hôn; Tiền sinh nhật của người lao động; Tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động; Tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị bệnh nghề nghiệp; Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Qua bài viết này, tác giả cũng rất mong muốn mỗi cán bộ công đoàn cần nắm kỷ các khoản thu nhập của NLĐ được tính đóng/không tính đóng BHXH bắt buộc để đảm bảo thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo về quyền lợi hợp pháp của NLĐ trong việc đóng/hưởng các chế độ BHXH theo đúng quy định của pháp luật.
MÂY TRẮNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456