Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ ngày 16/3/2020, khi đến nơi công cộng tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe… phải đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19. Trong khi khẩu trang y tế đang khang hiếm thì khẩu trang vải là giải pháp lựa chọn của nhiều người. Tuy nhiên, không phải khẩu trang vải nào cũng có tác dụng kháng khuẩn.
Theo Quyết định 870/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn kỷ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn đường hô hấp, kháng khuẩn. Yêu cầu về cấu trúc phải có tối thiểu 3 lớp: lớp ngoài cùng có tính kháng nước, kháng giọt bắn đường hô hấp hoặc kết hợp kháng khuẩn. Các lớp còn lại là lớp lọc, kháng khuẩn (lớp kháng khuẩn là lớp vải kháng khuẩn, nano bạc, than hoạt tính hoặc tương đương)…
Yêu cầu kỷ thuật chung là vải không gây dị ứng da, bề mặt sạch sẽ, không lỗi ngoại quan, dây đeo được kết cấu chắc chắn, kiểu dáng, kích thước phải che kín mũi và miệng, các mép phải ôm kín khuôn mặt.
Yêu cầu về vật liệu: Lớp ngoài cùng có bề mặt nhẵn, có độ thoáng khí, kháng nước và có khả năng kháng các giọt bắn đường hô hấp; Lớp kháng khuẩn có tác dụng diệt khuẩn; Lớp lọc có độ thoáng khí và cản bụi tốt; Dây đeo có khả năng đàn hồi.
Ngoài các tiêu chuẩn trên, yêu cầu kỷ thuật và vật liệu, Bộ Y tế còn yêu cầu khác về công bố của nhà sản xuất, khuyến khích đóng gói riêng lẻ, đảm bảo vô trùng khẩu trang khi đóng gói, thực hiện ghi nhãntheo qui định của pháp luật hiện hành về nhãn hàng hoá.
Trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội rao bán nhiều loại khẩu trang được giới thiệu là khẩu trang vải kháng khuẩn, tuy nhiên chỉ nhìn qua hình ảnh hoặc không quan sát kỷ rất dễ bị nhầm lần. Vì vậy, người mua cần tìm hiểu kỷ để mua đúng khẩu trang có chức năng kháng khuẩn bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch COVID-19.