Trong những năm qua, tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh còn diễn biến phức tạp. TNLĐ không chỉ gây nên nỗi đau về thể xác, tinh thần cho người lao động (NLĐ), mà còn để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, trách nhiệm đối với công tác an toàn vệ sinh lao động (AT – VSLĐ) đang rất cần sự chung tay của cộng đồng.
Tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ tại Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong
Theo thống kê, năm 2019 toàn tỉnh ghi nhận xảy ra 5 vụ, làm chết 8 người, đó đều là những vụ TNLĐ nghiêm trọng. Phân tích những vụ TNLĐ diễn ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, có nhiều nguyên nhân của TNLĐ như: Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa quan tâm đến công tác AT – VSLĐ, phổ biến nhất là không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ… Về phía NLĐ, vẫn còn một bộ phận NLĐ thiếu kiến thức về an toàn, chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc…
TNLĐ luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng hệ thống các văn bản, các quy định của pháp luật như: Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội… kể cả các chế tài hình sự đối với các vi phạm nghiêm trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của NLĐ, bảo vệ sản xuất, tài sản của doanh nghiệp… hướng đến phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.
Trên thực tế, hậu quả của TNLĐ không chỉ gây thiệt hại cho bản than NLĐ mà còn ảnh hưởng đến người thân, gia đình, vì đa số NLĐ là lao động chính trong gia đình. Người bị TNLĐ thường bị giảm, mất nguồn thu nhập chính, chi phí điều trị tốt kém, cần có người chăm sóc, sức khỏe giảm xúc… là những hệ lụy nặng nề trong gia đình người bị TNLĐ. Mặc khác, TNLĐ cũng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Vì khi có NLĐ của mình bị TNLĐ, chắc chắn bị gián đoạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mất chi phí điều trị, bồi thường, gây tâm lý hoang mang cho NLĐ…
Chủ đề của Tháng hành động về AT – VSLĐ năm 2020 là “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Để thực hiện tốt chủ đề trên, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn trong công tác AT – VSLĐ, giảm thiếu TNLĐ, các cấp Công đoàn cần xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức các lớp tập huấn về AT – VSLĐ cho các cán bộ Công đoàn, cán bộ làm công tác AT – VSLĐ các cấp, mạng lưới an toàn vệ sinh viên; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về AT – VSLĐ tới NLĐ; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền các bản tin, bài viết về công tác ATVSLĐ, tuyên truyền bằng hình thức tổ chức hội thi về An toàn vệ sinh viên giỏi…
Ngoài ra, hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh còn chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn, nhất là CĐCS trong các doanh nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, ngăn ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Hàng năm phát động CNVCLĐ thực hiện tốt phong trào “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm AT – VSLĐ”, tổ chức phát động và hưởng ứng Tháng hành động về AT-VSLĐ. Qua các phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay như: Xây dựng “Góc bảo hộ lao động” tại Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong, “Góc thông tin bảo hộ lao động” tại Công ty TNHH May Hồng Việt – Trà Vinh… từ đó góp phần đó nâng cao ý thức, trách nhiệm cho NLĐ và người sử dụng lao động.
Bảo vệ NLĐ, trước tiên là bảo vệ tính mạng sức khỏe của họ. Đảm bảo AT – VSLĐ tại nơi làm việc là nhằm ngăn ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của tổ chức Công đoàn mà còn cần được tiếp tục quan tâm sâu sắc trong thời gian tới của toàn xã hội.
Tin, bài: TRÍ DŨNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456