Câu hỏi phần tự luận, Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật trong CNVCLĐ năm 2020 (kỳ thi tháng 5) có nội dung: Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) năm 2020 có chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về AT-VSLĐ tại nơi làm việc”. Là người làm công tác AT-VSLĐ, với nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động tổ chức thực hiện công tác AT-VSLĐ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình, anh/chị sẽ đề xuất những giải pháp hữu hiệu nào để đảm bảo thực hiện tốt chủ đề của Tháng hành động về AT-VSLĐ năm nay?
Với câu hỏi trên, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh một mặt giúp đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ ôn lại kiến thức về công tác AT-VSLĐ, đồng thời “hiến kế” cho các cấp, các ngành những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề Tháng hành động về AT-VSLĐ năm 2020. Cuộc thi đã có 1.422 bài dự thi, trong đó có nhiều ý kiến đóng góp rất có giá trị tham khảo, áp dụng trong thực tiễn.
Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ
Hầu hết các ý kiến, góp ý đều tập trung vào việc đề xuất người lao động (NLĐ), người sữ dụng lao động thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác AT-VSLĐ như Luật ATVSLĐ năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014… (Chị Trần Thị Thủy đến từ Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong, bạn Phạm Thị Ngọc Trân ở Trường Mầm non Hoa Hồng, thuộc LĐLĐ TP. Trà Vinh, bạn Nguyễn Thị Thu Thảo đến từ LĐLĐ huyện Càng Long…).
Phối hợp với CĐCS tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc
Đề xuất tổ chức tuyên truyền, giúp cho NLĐ chấp hành nghiêm quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về AT-VSLĐ bằng phương thức treo băng rôn, thông tin loa phát thanh, dán tờ rơi tại nơi sản xuất nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của NLĐ, người sử dụng lao động đến công tác AT-VSLĐ (chị Trần Thị Thủy). Phối hợp với Công đoàn tuyên truyền các quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc bằng các hình thức trực quan, loa phát thanh nội bộ, tờ rơi, cẩm nang, qua facebook, zalo, tin nhắn (bạn Phạm Thị Ngọc Trân).
Chăm sóc sức khỏe, tăng sức đề kháng cơ thể, cải thiện bữa ăn giữa ca cho NLĐ
Đa số ý kiến đề xuất tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho NLĐ theo tiêu chuẩn, chế độ quy định. Chị Trần Thị Thủy đề xuất, ngoài khám sức khỏe định kỳ còn tổ chức thăm khám theo tính chất, yêu cầu công việc, nhất là đối với lao động nữ, lao động thường xuyên làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, có nguy cơ cao về AT-VSLĐ. Bạn Phạm Thị Ngọc Trân đề xuất nếu doanh nghiệp có tổ chức bếp ăn tập thể, cần phải đảm bảo đủ chất theo từng ngành nghề, từng giới tính… để tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng cho NLĐ. Bạn Đinh Ngọc Ẩn đến từ Trường Tiểu học Huyền Hội, thuộc LĐLĐ huyện Càng Long đề xuất chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tổ chức tập thể dục trước khi làm việc giúp tăng cường sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, thực hiện chế độ bồi dưỡng phù hợp cho từng đối tượng lao động.
Xây dựng kế hoạch AT-VSLĐ hằng năm; huấn luyện về ATVSLĐ cho NLĐ
Bạn Chung Thị Bé Hân công tác tại Trường Mẫu giáo Bé Ngoan, thuộc LĐLĐ huyện Càng Long cho rằng, nhiệm vụ của người làm tham mưu về công tác AT-VSLĐ, đầu tiên là lập kế hoạch AT-VSLĐvà phải được lấy ý kiến Ban Chấp hành CĐCS. Trong đó quan tâm thường xuyên đánh giá rủi ro cao về AT-VSLĐ tại nơi làm việc, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và có kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.
Theo chị Trần Thị Thủy, doanh nghiệp cần tổ chức huấn luyện về AT-VSLĐ cho đội ngũ an toàn vệ sinh viên và các bộ phận thường xuyên, trực tiếp làm việc với máy móc, thiết bị… có nguy cơ cao về AT-VSLĐ; Tự kiểm tra về AT-VSLĐ tại đơn vị mình.
Nhiều liên hệ thực tiễn có giá trị
Triển khai, thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc theo chủ đề của Tháng hành động về AT-VSLĐ năm 2020, nhiều bạn đã có nhiều liên hệ thực tế có giá trị tham khảo.
Đề xuất chủ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về AT-VSLĐ tại nơi làm việc tùy theo ngành, nghề (chị Trần Thị Thủy). Tùy ngành, nghề mà rà soát để xác định các yếu tố nguy hiểm, có hại đến sức khỏe của nhân viên như: ngành may mặc cần quan tâm độ ồn, bụi, thiết bị điện… ngành thủy sản quan tâm các yếu tố hóa chất, vi sinh vật có hại, các bộ phận truyền động của máy để có biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa tai nạn lao động hiệu quả (bạn Phạm Thị Ngọc Trân). Bạn Dương Mộng Thu đến từ Trường Đại học Trà Vinh cho rằng, cần đảm bảo điều kiện AT-VSLĐcho tất cả nhân viên và phòng ban, đơn vị bằng việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Đặc biệt quan tâm đến AT-VSLĐcho người lao động làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ; khuyến khích nhân viên tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện…
Còn nhiều ý kiến, đề xuất của đoàn viên, CNVCLĐ thông qua cuộc thi đã “hiến kế” cho các cấp, các ngành, tổ chức công đoàn nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề Tháng hành động về AT-VSLĐ năm 2020. Trong khuôn khỗ bài viết này, Ban Biên tập tổng hợp, phân tích một số giải pháp, đề xuất để giới thiệu đến bạn đọc.
TRÍ DŨNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456