Từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 03 trường hợp tai nạn về điện dẫn đến chết người. Nguyên nhân là do người lao động vi phạm quy định về an toàn điện, thiếu kiến thức liên quan đến điện khi sử dụng các thiết bị có liên quan đến điện…
Các tình huống dẫn đến tai nạn điện
(1) Chạm điện trực tiếp: Khi làm việc với đường dây hay các thiết bị điện, con người có thể chạm vào các phần mang điện, như chạm vào dây dẫn trần đang mang điện. Khi sử dụng thiết bị điện, có thể có các chổ cách điện bị nứt, rách, vỡ để hở phần mang điện, hoặc do gió to, do giông bão làm cho dây điện đứt rơi xuống, con người hay gia súc có thể chạm vào mà gây tai nạn điện. Có trường hợp do sửa chữa điện áp không cắt điện cũng có thể chạm vào phần mang điện. Cũng có khi đã cắt điện để sửa chữa hay kéo dây điện, khi đang làm thì lại có điện trở lại, gây ra tai nạn điện, do ở chổ khác bị chạm vào dây đang có điện hay các hộ dùng điện ở phía sau đóng điện hay phát nguồn điện dự phòng.
Công nhân tìm hiểu về an toàn khi sử dụng điện được mô tả trong các tờ rơi. Ảnh: Huy Hoàng
(2) Chạm điện gián tiếp: khi có sự cố gây hỏng cách điện, điện dò ra vỏ máy, khi người chạm vào vỏ máy thì điện đã truyền từ vỏ máy sang người, gây tai nạn. Cách điện hỏng do chất lượng cách điện kém hoặc do vật liệu làm cách điện bị lão hóa theo thời gian, do bụi bẩn hoặc không đảm bảo khe hở cách ly. Những thiết bị hay dụng cụ điện tự lắp cũng có thể là nguyên nhân gây tai nạn, do vật liệu sử dụng không đảm bảo độ bền điện theo yêu cầu. Bị tai nạn do hồ quang điện cũng tương tự như bị tai nạn điện gián tiếp, nhưng đôi khi vừa bị hồ quang vừa bị dòng điện truyền qua người.
(3) Tai nạn điện do điện áp bước: là tai nạn do dòng điện chạy qua hai chân lên cơ thể người do hai chân đặt ở hai chổ có điện thế khác nhau. Khi có ngắn mạch chạm đất, con người có thể bị điện áp bước nếu đến gần chổ chạm đất. Điện áp bước ở mạng điện hạ áp thì nhỏ, còn ở mạng điện cao áp thì thường rất lớn, thường gây tai nạn điện nguy hiểm.
(4) Tai nạn điện do tác động của điện trường mạnh: các vùng ở gần trạm hay đường dây siêu cao áp, từ 110kV trở lên, cường độ điện trường có thể đạt tới trên 25kV/m có thể làm rối loạn hoạt động bình thường của cơ thể, có thể gây ra tai nạn điện.
(5) Tai nạn do sét: sét đánh cũng là một dạng bị tai nạn điện do giông bão gây ra. Dòng điện sét có giá trị lớn và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng có sức phá hoại lớn.
Tác hại của dòng điện đối với cơ thể người
Dòng điện đi qua cơ thể con người sẽ gây ra những tác động về nhiệt, điện phân và sinh lý. Trong đó tác động sinh lý gây nên sự kích thích các tổ chức tế bào kèm theo sự co giật các cơ bắp, đặc biệt quan trọng là cơ tim và phổi, gây tổn thương cơ thể sống hoặc làm ngưng trệ cơ quan hô hấp và tuần hoàn. Dòng điện khi chạy qua cơ thể gây kích thích mà con người cảm giác được là dòng điện cảm giác. Dòng điện cảm giác đối với phụ nữ khoảng 0,7mA, đối với nam giới khoảng 1,1mA. Dòng điện cảm giác chưa gây nguy hiểm cho cơ thể người. Dòng điện khoảng 10mA sẽ gây ra co giật, khoảng 100mA sẽ gây ra rung tim. Mức độ tai nạn điện phụ thuộc vào: điện trở của người; loại và trị số dòng điện; thời gian dòng điện qua người; tần số dòng điện; đường đi của dòng điện qua cơ thể; đặc điểm của người bị nạn. Dòng điện qua cơ thể phụ thuộc điện áp đặt lên cơ thể và điện trở của cơ thể đó.
Cán bộ công ty Điện lực Trà Vinh phát tờ rơi tuyên truyền sử dụng điện an toàn. Ảnh: Huy Hoàng
Khi tiếp xúc và làm việc với các thiết bị điện là tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm là điện, do đó muốn đảm bảo an toàn, không chỉ đòi hỏi có trang thiết bị điện và trang thiết bị làm việc tốt, mà còn phải có tổ chức làm việc an toàn. Từ người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp đến mọi người lao động đều phải có ý thức làm việc cẩn thận đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho mọi người.
Việc giúp cho người lao động nhận biết các tình huống có thể dẫn đến tai nạn điện và tác hại của dòng điện đối với cơ thể người là cần thiết nhằm có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động có liên quan đến điện.
MINH THIỆN
Bài viết có sử dụng tư liệu, nghiên cứu từ sách Bảo hộ lao động dành cho cán bộ công đoàn phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động do Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn An Lương chủ biên. NXB Lao động 2013.
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456