Tính đến đầu năm 2020, Khu Công nghiệp Long Đức có 21 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 15 nghìn người lao động (NLĐ). Năm 2019: Tiền lương bình quân: 4,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,1% so với năm 2018; Thu nhập bình quân: 5,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,6% so với năm 2018.
Khảo sát thực tế về các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của NLĐ
Tiến hành khảo sát 300 NLĐ (có 47,7% NLĐ làm việc trên 03 năm) tại 08 doanh nghiệp (chuyên may quần áo, túi xách; sản xuất dây dẫn điện; chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành sản xuất hóa chất) trong Khu Công nghiệp Long Đức.
Tuyên truyền bình đẳng giới tại Công ty TNHH Ying Hsin, Khu Công nghiệp Long Đức. Ảnh: TD
Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của NLĐ mà tác giả quan tâm khảo sát đó là: Trình độ chuyên môn, kết quả cho thấy 57% NLĐ chưa được đào tạo (lao động phổ thông là chủ yếu); Môi trường làm việc: đa số đều có chung nhận xét là môi trường làm việc hợp lý tuy nhiên vẫn còn trên 15% nhận thấy công ty cần đầu tư cải thiện thêm về môi trường làm việc; Về độ tuổi: đa số NLĐ còn trẻ (84% người có độ tuổi từ 18 đến 35), là giai đoạn có khả năng đảm bảo sức khỏe tốt cho việc sản xuất với cường độ lao động cao; Về thời gian tăng ca: 100% NLĐ ở các doanh nghiệp đều có tăng ca, trong đó 12% người cho rằng doanh nghiệp yêu cầu tăng ca quá mức; Về việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân: có 77% người cho rằng: việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân là rất cần. Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho chính NLĐ khi lao động sản xuất vì vậy thật sự rất khó hiểu khi 23% người trả lời rằng không cần phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc không quan tâm đến phương tiện bảo vệ cá nhân.
Thu nhập thực tế của NLĐ được phản ánh qua các phiếu khảo sát
Qua khảo sát đã phản ánh khả năng thu nhập của NLĐ (bao gồm cả tiền lương tăng ca) đa phần có mức từ 4,5 triệu đồng đến 06 triệu đồng/tháng, với kết quả này có thể thấy thu nhập của NLĐ ở Khu Công nghiệp Long Đức chỉ ở mức độ trung bình vì cao hơn mức lương tối thiểu vùng đôi chút. Với mức thu nhập này, NLĐ đa số là trụ cột chính trong gia đình, với ít nhất 02 người chưa đến tuổi lao động hoặc 02 người đã hết tuổi lao động sống phụ thuộc nên 26,7% người có thu nhập không đủ chi tiêu, 64% người cho là đủ sống (nhưng chỉ đảm bảo khoảng 50 đến 80% chi phí trang trải cuộc sống) và số người có tích lũy rất ít, chỉ 9,3%.
Một số khó khăn do tiền lương thấp
Thứ nhất, chi tiêu phải rất dè xẻn, sống thiếu thốn về vật chất; không thể cải thiện các nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, đi lại.
Thứ hai, không đủ khả năng chăm sóc tốt cho sức khỏe của bản thân và người thân: nhiều công nhân rất lo lắng khi bản thân bệnh hoặc con bệnh, chồng hoặc vợ bệnh vì công nhân không có khả năng chi trả, rơi vào cảnh nợ nần.
Thứ ba, không đủ điều kiện chi trả chi phí học hành cho con cái: có con nhỏ thường phải trả tiền gởi con thêm giờ khi làm việc tăng ca; tiền lương thấp cũng có nghĩa là mức đóng bảo hiểm xã hội thấp, kéo theo trợ cấp thai sản thấp, nghĩa là các bà mẹ đang mất đi khoản hỗ trợ quan trọng khi có con.
Thứ tư, không có tiền dự phòng khi gia đình hoặc bản thân gặp những trường hợp khẩn cấp; không được tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí; thậm chí ít về thăm gia đình hoặc người thân vì các chi phí liên quan đến đi lại và quà biếu.
Thứ năm, nhà ở là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người nhưng để có được nhà ở cho riêng mình đối với người lao động là ước mơ xa xôi (theo khảo sát thực tế, hiện có 79,6% người lao động đang ở nhà trọ hoặc ở nhờ nhà người thân).
Đặc biệt, thu nhập ảnh hưởng tới tâm trạng của NLĐ. Khi tâm lý ức chế hoặc không thoải mái thì năng suất và chất lượng công việc giảm, vì NLĐ làm việc uể oải, không hứng thú. Thu nhập thấp ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, buộc NLĐ phải làm thêm giờ để cải thiện thu nhập. Việc làm thêm giờ khiến họ không có thời gian nghỉ ngơi, vì ngoài thời gian làm việc, họ còn phải chăm sóc con cái, gia đình, công việc ở nhà, không có thời gian để giải trí hoặc tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động vui chơi nên tinh thần và thể chất luôn căng thẳng và mệt mỏi. Nếu điều kiện lao động kém và thu nhập quá thấp thì NLĐ sẽ nghĩ đến việc tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Một mức lương đủ sống – đó là mức tối thiểu mà tất cả mọi người làm việc đều cần có để thoát nghèo. Một mức lương đủ sống là mức lương NLĐ kiếm được trong một tuần làm việc tiêu chuẩn (tối đa không quá 48 giờ) và đủ để trang trải các nhu cầu cơ bản, bao gồm lương thực, thực phẩm, nhà ở, quần áo, chăm sóc y tế, giáo dục, quan hệ xã hội, đi lại và một số tiền tiết kiệm; Đủ cho một số chi phí phát sinh trong các sự việc không được dự báo trước như tai nạn hay bệnh tật; Hỗ trợ nhiều người thân hơn chứ không chỉ là cá nhân NLĐ. Chính vì lẽ đó cần có các giải pháp để hướng tới mục tiêu tiền lương đủ sống (từ phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động trong Khu Công nghiệp Long Đức, bài viết tiếp theo, tác giả xin đề xuất các giải pháp).
MÂY TRẮNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456