Ngày 18/7/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, trong chỉ thị có quy định rõ: “Người đứng đầu DN (doanh nghiệp), công ty, xí nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị, áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo khoảng cách an toàn cho người lao động (NLĐ), thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, bảo đảm sức khỏe, an toàn dịch bệnh cho NLĐ; chủ động mua sắm sinh phẩm test nhanh và liên hệ với Sở Y tế để được tập huấn thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho công nhân, người làm việc tại DN. Chủ động thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, sắp xếp, bố trí ăn, nghỉ, sản xuất cho công nhân tại nơi làm việc đối với những nơi đủ điều kiện”.
DN thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua
Trong thời gian qua, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất, đảm bảo được việc làm, thu nhập của NLĐ, cụ thể là: xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; thành lập Ban Chỉ đạo, các Tổ “An toàn Covid”; xây dựng và tiến hành Diễn tập phòng, chống dịch bệnh Covid-19; xây dựng các Bản cam kết: Bản cam kết thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 của NLĐ với người sử dụng lao động; Bản cam kết thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 của DN với Ban Quản lý Khu Kinh tế hoặc với Ủy ban nhân dân cấp huyện; Đối với DN có tổ chức cho NLĐ ăn ca thì phải có Bản cam kết thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 của đơn vị cung cấp dịch vụ suất ăn với chủ DN; Công ty tự kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân nói chung, NLĐ nói riêng, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DN, nguy cơ phải dừng sản xuất do có NLĐ bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh do đó đòi hỏi mỗi DN cần thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Những khó khăn của DN cần được tháo gỡ
Tại các buổi làm việc của Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với các ban ngành huyện, thị xã và các DN trên địa bàn cũng như thông qua ý kiến phản ánh của các cấp công đoàn cho thấy DN đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 rất cần được tháo gỡ, cụ thể như:
Thứ nhất là, các ngành chuyên môn cần thẩm định kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cũng như việc diễn tập phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của DN.
Vấn đề này, thực tế tại các nhà máy của Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong đã tiến hành diễn tập nhưng theo Lãnh đạo DN “rất thiết tha yêu cầu các ngành chuyên môn (nhất là ngành Y tế) đến tham dự và cho ý kiến xem việc diễn tập như thế đã đạt yêu cầu chưa, cần điều chỉnh, bổ sung các phương án cụ thể nào để khi xảy ra các tình huống thực tế mà có cách xử lý cho phù hợp”.
Thứ hai là, đối với những DN có nhu cầu thực hiện phương châm “3 tại chỗ”; “1 cung đường 2 điểm đến” (vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong DN theo Hướng dẫn số 2242/BLĐTBXH-TLĐ-PTM ngày 14/7/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) thì “chỉ được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi DN và NLĐ thực sự an toàn” từ đó phát sinh một số khó khăn nhất định:
(1) Theo yêu cầu thì NLĐ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Sars-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong quá trình DN hoạt động.
Khó khăn mà DN gặp phải là: đối với DN có đông công nhân lao động, nhân lực để thực hiện công tác lấy mẫu và sinh phẩm test nhanh đều thiếu. Rất cần ngành Y tế mở thêm nhiều lớp tập huấn và ngành Y tế làm “cầu nối” giúp DN tiếp cận nguồn cung cấp sinh phẩm test nhanh một cách thuận tiện, dễ dàng (ngành Y tế có văn bản thông báo đến các DN của tỉnh). Và theo quy định thì kết quả của việc test nhanh chỉ có giá trị trong 03 ngày nên chi phí mà DN chi cho khoản này là rất lớn.
(2) Tập trung NLĐ ở tại nơi làm việc, DN gặp khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự; phòng chống cháy nổ; an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và đặc biệt là DN rất lo việc NLĐ lưu trú tập trung dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo (nếu không may có trường hợp NLĐ đã được test nhanh nhưng chưa phát hiện bệnh).
Và thực tế có một số DN, nếu tập trung NLĐ ở tại nơi làm việc thì DN không đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt cá nhân cho NLĐ (nơi tắm, giặt…) từ đó buộc phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với một lượng lớn NLĐ dẫn đến tình trạng NLĐ mất thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống của bản thân và gia đình họ.
(3) Có DN mong muốn thực hiện phương châm “1 cung đường 2 điểm đến” nhưng địa điểm trên địa bàn tỉnh để vừa đảm bảo “sức chứa” một lượng lớn NLĐ vừa thuận tiện cho việc di chuyển không phải dễ tìm.
Thực tế, Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam tại Trà Vinh cần hỗ trợ tìm nơi lưu trú tập trung cho khoảng 3.000 đến 4.000 NLĐ; Công ty TNHH MTV Việt Trần cần tìm một nơi lưu trú tập trung cho toàn bộ 100% NLĐ
(4) Đang gặp khó trong việc vận động NLĐ lưu trú tập trung tại DN hoặc tại một địa điểm mà DN chọn.
Đa phần NLĐ làm việc tại các DN là những người sinh sống trên địa bàn nên việc yêu cầu họ thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày là điều rất khó. Thực tế, Công ty TNHH Bảo Tiên (Châu Thành) đang lên phương án thực hiện phương châm “3 tại chỗ” với mong muốn 100% NLĐ sản xuất, ăn, nghỉ tại nơi làm việc nhưng qua vận động chỉ có khoảng 20-40% NLĐ đồng ý; thậm chí có nơi chỉ có khoảng 8-10% NLĐ đồng ý ở lại (nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Mỹ Phong ở Trà Cú).
Thứ ba, DN kiến nghị Sở Giao thông Vận tải xem xét ưu tiên cho các xe chở nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ nhu cầu sản xuất của DN; kiến nghị với chính quyền địa phương: yêu cầu chủ nhà trọ và NLĐ ở trọ phải cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm tránh trường hợp NLĐ mang mầm bệnh từ nơi ở đến nơi làm việc đồng thời chính quyền địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc bán hàng rong, hàng quán đề phòng khi NLĐ ghé mua (dễ phát sinh nguy cơ lây nhiễm bệnh).
Từ những khó khăn nêu trên, thiết nghĩ, ngành chuyên môn sớm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong DN theo Hướng dẫn số 2242/BLĐTBXH-TLĐ-PTM ngày 14/7/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Trà Vinh, trong đó: các ngành chuyên môn phối hợp với nhau kiểm tra, đánh giá nguy cơ lây nhiễm đối với DN tập trung nhiều lao động, bố trí lao động ăn, nghỉ tại nơi làm việc; tuyên truyền, vận động DN hỗ trợ NLĐ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong khi tổ chức ăn nghỉ tại nơi làm việc và có phương án phù hợp (như: bố trí khoảng 50% NLĐ làm việc và lưu trú trong vòng 24 ngày sau đó sẽ thay thế 50% NLĐ còn lại; thành lập Ban Quản lý để giữ gìn vệ sinh, trật tự; tăng cường quạt thông gió tại nơi làm việc; hàng ngày phải đánh giá nguy cơ theo Quyết định 2194 của Bộ Y tế và cập nhật trên bản đồ CHUNG SỐNG AN TOÀN VỚI COVID-19.…); đề nghị Công đoàn các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động NLĐ tuân thủ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền và DN.
Việc sắp xếp nơi nghỉ cho NLĐ tại một công ty.
Bài, ảnh: MÂY TRẮNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456