Từ năm 2013 đến năm 2018 trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn lao động làm chết 33 người, bị thương nặng 08 người. Cứ đúng vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5; thời gian diễn ra Tuần lễ Quốc gia và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Liên đoàn Lao động tỉnh đều tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho CNVCLĐ và thân nhân người lao động bị tai nạn lao động chết người. Từ năm 2013 đến năm 2019 đã thăm hỏi trên 170 lượt người với tổng số tiền khoảng 90 triệu đồng.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đến động viên, thăm hỏi gia đình. Ảnh: Minh Thiện
Tai nạn lao động – những hệ lụy
Khi Đoàn công tác đến thăm gia đình 04 công nhân bị ngạt khí khi thực hiện bơm, hút nước để vệ sinh bùn bên trong hố thu nước tại trạm bơm nước thô của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều đọng lại trong mỗi chúng tôi niềm xót thương và sự sẻ chia khi “người đầu bạc phải khóc tiễn kẻ đầu xanh”.
“Gia đình tôi có một đứa con trai duy nhất, năm nay nó 28 tuổi, nó vào công ty làm việc được hơn 03 năm, khi tôi hỏi “làm công việc ổn không con”, nó trả lời “ổn cha à”, vậy mà nó “đành bỏ” tôi và mẹ nó vĩnh viễn ra đi”, lời tâm sự nghe xót xa và thương cảm của người cha gần 70 tuổi – ông Kim Tiên, cha của Kim Minh Thuận.
Mẹ anh Nguyễn Văn Quý rưng rưng nước mắt nói với chúng tôi “Các cô, chú đến thăm và động viên gia đình, chúng tôi rất cảm ơn, trước đây hai vợ chồng tôi sống chung với vợ chồng nó, giờ con tôi mất rồi tôi rất mong các cô, chú khi vào dịp lễ, tết đến thăm hoặc điện thoại thăm hỏi để gia đình chúng tôi cảm thấy ấm lòng”, lời của người mẹ ngoài 60 tuổi rất có ý nghĩa, đó là việc mà tôi thiết nghĩ tổ chức công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải quan tâm.
Khi người lao động bị tai nạn lao động không chỉ mang lại nỗi buồn lo cho bản thân và gia đình người lao động mà doanh nghiệp cũng phải gánh chịu rất nhiều chi phí cũng như trách nhiệm: chi phí y tế, trợ cấp hoặc bồi thường, thăm hỏi động viên gia đình…và đặc biệt là các đối tác sẽ đánh giá thế nào khi doanh nghiệp để xảy ra những vụ tai nạn lao động như vậy?
Tai nạn lao động có thể phòng tránh được
Thực trạng hiện nay cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp có sự chuyển biến rõ nét trong công tác an toàn, vệ sinh lao động như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động thì vẫn có một số doanh nghiệp điều kiện lao động vẫn còn tồn tại những nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, trong khi đó người sử dụng lao động và người lao động chưa có nhiều kỹ năng, chưa có kiến thức đầy đủ trong việc đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm chính vì thế tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc là hoạt động phòng ngừa rất bức thiết và đây cũng chính là chủ đề hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019.
Chủ đề hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 nhằm góp phần thực hiện tốt tiêu chí “phấn đấu giảm số vụ và số người bị tai nạn lao động so với các tháng khác trong năm ít nhất 10%”. Muốn làm được điều này, tôi nghĩ cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, riêng đối với tổ chức công đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động hoặc tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; thông qua các cuộc họp hoặc loa nội bộ tuyên truyền để người lao động nắm rõ, hiểu và đảm bảo thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như tọa đàm, tổ chức hoặc tham gia hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi; cấp phát tài liệu, tờ rơi, tranh áp phích và luôn có các khẩu hiệu tại nơi làm việc như: “Tuân thủ nội qui, qui trình, biện pháp làm việc an toàn để bảo vệ chính mình, đồng nghiệp và gia đình”; “Cải thiện điều kiện làm việc vì an toàn, sức khỏe và tính mạng của người lao động”; “Chung tay xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc”; “An toàn để sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn”.
Thứ hai, từ đầu năm, BCH CĐCSphối hợp với chuyên môn tổ chức các phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Đảm bảo ATVSLĐ” và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc qua đó thúc đẩy sự tham gia của người sử dụng lao độngvà người lao động trong việc bảo đảm ATVSLĐ. Nhân dịp Tháng hành động về ATVSLĐ hoặc cuối năm biểu dương, khen thưởng và trình cấp trên khen thưởng cho người lao động có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo ATVSLĐ.
Thứ ba, Đẩy mạnh việc phát triển về số lượng đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các cơ sở sản xuất. Tổ chức tập huấn kiến thức về ATVSLĐ và kỹ năng, phương pháp hoạt động cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên hoặc phân công cán bộ tích cực tham gia các lớp tập huấn do các ban ngành hữu quan tổ chức.
Thứ tư, BCH CĐCStrong doanh nghiệp chủ động tham gia với người sử dụng lao độngtổ chức tư vấn, tập huấn, huấn luyện, khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Thứ năm, Thực hiện công tác giám sát và phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung vào thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xây dựng các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; việc đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Thực hiện tốt công tác ATVSLĐ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà đặc biệt là bảo vệ sức khỏe người lao động chính là góp phần bảo vệ nguồn nhân lực của đất nước.
MÂY TRẮNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456