Bộ Luật Lao động (BLLĐ) có vị trí quan trọng, tác động đến tất cả các thành phần kinh tế và hàng chục triệu người lao động (NLĐ) trong cả nước. BLLĐ lần đầu được ban hành ngày 23/6/1994, đã qua các lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng, cùng với việc sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan, sự hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước đòi hỏi BLLĐ cần được tiếp tục hoàn thiện.
Bước đầu đã có một số góp ý gởi đến Quốc hội kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019)
Thực hiện Kế hoạch số 11/KH-ĐĐBQH ngày 11/4/2019 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến trong cán bộ, công chức về dự thảo BLLĐ (sửa đổi), các ý kiến xoay quanh một số vấn đề:
Cần bổ sung rõ các hành vi như thế nào xem là “quấy rối tình dục” vì hành vi này còn được nêu trong các điều khoản có liên quan (như quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ; hoặc liên quan đến lao động (LĐ) giúp việc gia đình).
Về quy định chấm dứt hợp đồng lao động ở nội dung “hết hạn hợp đồng LĐ”. Cần có thêm 01 quy định ràng buộc đối với trường hợp là LĐ nữ đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Công nhân lao động là đối tượng chịu sự tác động khi sửa đổi BLLĐ năm 2013. Ảnh: ST
Về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng LĐ của NLĐ: Thống nhất phương án 1 (NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng LĐ không nêu lý do gì mà chỉ cần thời hạn báo trước), để tạo cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn cho NLĐ và để phòng ngừa xóa bỏ LĐ cưỡng bức.
Về tiền lương làm thêm giờ: trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định ở khoản 1 điều 99 nhưng cần quy định một tỷ lệ nhất định không nên quy định “do hai bên thỏa thuận để thực hiện” vì thật ra NLĐ luôn ở thế yếu.
Về thời giờ làm thêm: Thực tế hiện nay cũng có một bộ phận NLĐ muốn tăng ca (làm thêm giờ) để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống nhưng nếu làm thêm nhiều giờ thì lại không đảm bảo sức khỏe, không có điều kiện học tập, giao lưu, vui chơi, giải trí, chăm sóc gia đình. Nếu tiền lương làm thêm giờ được chấp nhận điều chỉnh tăng như đóng góp ở trên thì đã phần nào tăng thu nhập cho NLĐ, do vậy Liên đoàn Lao động tỉnh thống nhất giữ nguyên như Điều 106 BLLĐ 2012 “2. Người sử dụng LĐ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a) Được sự đồng ý của NLĐ; b) Bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm; c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng LĐ phải bố trí để NLĐ được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ”.
Về nghỉ lễ, tết: Điểm 2 điều 113 cần bổ sung thêm “NLĐ là dân tộc thiểu số ngoài nghỉ lễ, tết theo quy định khoản 1 điều này còn được nghỉ tết cổ truyền của dân tộc mình 03 ngày và được hưởng nguyên lương”. Điểm 3 chọn phương án 1 (Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì NLĐ được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc kế tiếp)
Về Chương về an toàn vệ sinh lao động:cần đồng nhất với Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Về Khoản 3, Điều 138 cần bổ sung: thêm dấu “;” vào sau từ “kết hôn”; thêm cụm từ “NLĐ đang” vào trước từ “mang thai” cho rõ nghĩa.
VềTuổi nghỉ hưu: Khoản 1 thống nhất phương án 1 nhưng Chính phủ cần có quy định thật chi tiết vì thực tế hiện nay, NLĐ ở các ngành nghề như: chế biến thủy hải sản, ngành than, công nhân vệ sinh… mặc dù vẫn được khám sức khỏe định kỳ, vẫn có các chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật… nhưng sức khỏe người lao động, đặc biệt là LĐ nữ không thể đảm bảo.
Cần tiếp tục lấy ý kiến sâu rộng trong công nhân lao động
Việc sửa đổi BLLĐ là yêu cầu cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp tới quyền lợi của NLĐ. Không ai phát hiện ra những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung một cách sát thực tế hơn chính những NLĐ vì vậy Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị các cấp công đoàn phát huy hết trách nhiệm của mình, bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, ngành, doanh nghiệp tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong công nhân lao động góp ý vào Dự thảo BLLĐ (sửa đổi), cần tập trung các nhóm nội dung cơ bản như: (1) Về hợp đồng LĐ và mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng LĐ của NLĐ; (2) Về Mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm tối đa; (3) Về Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; (4) Về Tiền lương; (5) Về Tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở; (6) Về Thương lượng tập thể; thỏa ước LĐ tập thể; (7) Về Tranh chấp LĐ tập thể và đình công; (8) Về Một số nội dung đối với LĐ nữ và đảm bảo bình đẳng giới; (9) Về thời gian nghỉ tết âm lịch và bổ sung 01 ngày nghỉ (ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 dương lịch).
Chúng ta hãy luôn kỳ vọng rằng: “Cơ quan soạn thảo Dự thảo BLLĐ sẽ lắng nghe và tiếp thu những đóng góp sâu sắc từ chính những người được BLLĐ điều chỉnh để việc sửa đổi lần này không làm suy giảm hoặc mất đi các quyền lợi của NLĐ đã được pháp luật khẳng định trong thực tiễn thi hành vì NLĐ luôn ở thế yếu”.
MÂY TRẮNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456