Đề xuất giảm thời giờ làm việc của người lao động:
Bài 1: Phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và tiến trình hội nhập
Tổng LĐLĐ Việt Nam trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ nhiều nguồn khác nhau đã chính thức đề xuất giảm thời giờ làm việc cho người lao động (NLĐ) từ“48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần” và “không tăng thời giờ làm thêm” trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi).
Để có căn cứ cho đề xuất này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham vấn số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho thấy, Việt Nam thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao nhất thế giới (từ 48 giờ/ tuần trở lên) cùng với khoảng hơn 40 nước khác.
Người lao động Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới . Ảnh Văn Khởi
Về thời gian nghỉ phép: Trong số 155 nước khảo sát, thì Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước; nhiều hơn 31 nước; và ít hơn 110 nước.
Về giờ làm việc trung bình thực tế trong năm, Việt Nam cũng là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới, xếp thứ 3 với số giờ làm việc trung bình năm là trên 2.339 giờ, cao hơn 60/63 quốc gia được khảo sát.
Về ngày nghỉ lễ:Hiện số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (Camphuchia là 28 ngày, Brunei là 15 ngày, Indonexia là 16 ngày, Malaysia là 13 ngày, Myanmar là 21 ngày, Philippines là 19 ngày, Thái Lan là 16 ngày, Trung Quốc 21 ngày, Nhật Bản 16 ngày.
Về giờ làm thêm: Việt Nam ở mức trung bình của thế giới. Nhưng hiện tượng vi phạm giờ làm thêm ở Việt Nam khá phổ biến. Có 39,5% doanh nghiệp không thực hiện đúng về số giờ làm thêm của NLĐ[1]; thậm chí, 82% trong tổng số 257 nhà máy có làm thêm giờ vượt quá quy định của pháp luật[2].
Các văn kiện của ILO cũng khuyến khích các quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) nỗ lực giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc “tuần làm việc 40 giờ”[3]. ILO tuyên bố: với tinh thần là “ thực hiện hiệu quả việc học tập suốt đời và giáo dục chất lượng cho mọi người; an sinh xã hội đầy đủ và bền vững; tôn trọng các quyền cơ bản của NLĐ; mức lương đủ sống; hạn chế số giờ làm việc tối đa; AT-VSLĐ tại nơi làm việc; khả năng đạt được cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn”[4].
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã trích dẫn các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để chứng mình cho đề xuất của mình. Cụ thể: “Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân”[5].Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra “Tổ chức công đoàn cũng còn lúng túng trong nghiên cứu, dự báo, đề xuất giải pháp để khắc phục, nhất là những bức xúc về cường độ lao động, việc làm, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của công nhân, lao động”[6].
Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi” (Khoản 2 Điều 35). “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ” (Điều 104, Bộ luật Lao động 2012).
Sau 30 năm đổi mới, kinh tế – xã hội của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn,trở thành nước có thu nhập trung bình và yêu cầu thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, dân chủ và công bằng, rất cần thiết phải tham khảo quy định này để thiết kế về thời giờ làm việc cho số đông NLĐ. Đây là xu hướng tiến bộ trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của NLĐ.
Trên cơ sở đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất Giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ“48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần” và kiến nghị Không tăng thời giờ làm thêm”.
Bài, ảnh: TRÍ DŨNG
Xem tiếp bài 2: Duy trì và đảm bảo sức khỏe của người lao động.
Chú dẫn
[1] Kết quả thanh tra lao động của Bộ LĐTBXH tại 152 doanh nghiệp ngành may mặc ngành 2015.
[2]Better WorkBáo cáo thường niên 2017: Báo cáo tổng hợp tuân thủ trong ngành may mặc.
[3] Công ước số 47 của Đại hội đồng ILO (năm 1935,) về tuần làm việc 40 giờ.
[4]Tuyên bố Thế kỷ về Tương lai Việc làm của ILO năm 2019”.
[5]Nghị quyết số 20 – NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành TW Đảng (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
[6] Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456