Trong những năm qua, thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), các cấp công đoàn trong tỉnh đã quan tâm hướng dẫn các Công đoàn cơ sở (CĐCS) nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) và đạt được nhiều kết quả quan trọng. trong đó, có nhiều bản TƯLĐTT có chất lượng, mang lại nhiều quyền và lợi ích thiết thực cho NLĐ.
Nâng cao chất lượng TƯLĐTT góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chất lượng TƯLĐTT vẫn còn nhiều hạn chế, mà chủ yếu là chưa thực hiện đúng quy trình thương lượng, ký kết, thực hiện, dẫn đến các TƯLĐTT chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ. Để giúp cán bộ công đoàn các cấp, nhất là cán bộ CĐCS trong các doanh nghiệp hiểu rõ hơn vấn đề này, xin giới thiệu bài viết về quy trình thương thượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT.
Bước 1. Xác định nội dung dự kiến thương lượng tập thể (TLTT) và tổ chức thu thập ý kiến của tập thể NLĐ: Căn cứ tình hình thực tế, BCH CĐCS dự kiến nội dung TLTT; gởi văn bản triển khai ý kiến; tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động về nội dung dự kiến, bổ sung nội dung đề xuất của NLĐ (nếu có) bằng phiếu hoặc biểu quyết; lập biên bản lấy ý kiến hoặc biên bản tổng hợp ý kiến.
Bước 2. Xin ý kiến tư vấn, tham vấn: BCH CĐCS xin ý kiến tư vấn, tham vấn ý kiến của công đoàn cấp trên về nội dung dự kiến TLTT; đề nghị NSDLĐ cung cấp thông tin nếu cần thiết.
Bước 3. Dự thảo TƯLĐTT: BCH CĐCS căn cứ kết quả lấy ý kiến, tham vấn công đoàn cấp trên, tình hình thực tế DN để xây dựng dự thảo TƯLĐTT.
Bước 4. Thảo luận, lấy ý kiến tập thể người lao động: BCH CĐCS tổ chức lấy ý kiến tập thể NLĐ về dự thảo TƯLĐTT bằng phiếu hoặc biểu quyết; kết quả lấy ý kiến phải được lập thành biên bản.
Bước 5. Thống nhất thời gian TLTT và gửi dự thảo TƯLĐTT: BCH CĐCS gửi dự thảo TƯLĐTT với NSDLĐ; thống nhất thời gian tổ chức phiên TLTT.
Bước 6. Tổ chức phiên TLTT: Tiến hành phiên TLTT và lập biên bản TLTT. Nếu có nhiều phiên TLTT thì mỗi phiên lập 01 biên bản TLTT riêng.
Bước 7. Lấy ý kiến tập thể lao động về kết quả TLTT: Căn cứ kết quả TLTT, BCH CĐCS gửi văn bản triển khai lấy ý kiến kết quả TLTT kèm theo phiếu ý kiến. Nếu trên 50% tổng số NLĐ đồng ý thì tiến hành ký kết TƯLĐTT. Nếu bằng hoặc pdưới 50% tổng số NLĐ đồng ý thì tiếp tục thương lượng; kết quả lấy ý kiến phải lập thành báo cáo hoặc biên bản.
Bước 8. Tổ chức ký kết TƯLĐTT: Lễ ký kết có thể được tổ chức riêng hoặc lồng ghép với Hội nghị NLĐ hoặc một số hoạt động khác của DN.
Bước 9. Gửi TƯLĐTT: Sau khi ký kết TƯLĐTT, NSDLĐ có trách nhiệm gửi bản TƯLĐTT đã ký kết theo quy định.
Bước 10. Đánh giá định kỳ: Sau 3 tháng thực hiện đối với TƯLĐTT có thời hạn dưới 01 năm, sau 06 tháng đối với TƯLĐTT có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm, các bên tiến hành đánh giá kết quả thực hiện TƯLĐTT để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ký lại, ký mới.
TƯLĐTT là cơ sở pháp lý chủ yếu để tạo nên mối quan hệ lao động có tính tập thể. Từ đó, trách nhiệm cộng đồng của cả hai bên được tạo nên song song với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động. Không chỉ có vậy, thỏa ước lao động tập thể còn tạo điều kiện đề người lao động nhận được lợi ích cao hơn. Việc ký thỏa ước này cũng góp phần điều hòa lợi ích và hạn chế cạnh tranh không cần thiết. Qua đó, góp phần gắn kết chặt chẽ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý quan trọng nếu có tranh chấp xảy ra sẽ dùng để giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Thỏa ước này sẽ là nguồn quy phạm thích hợp tại chỗ bổ sung cho nội quy doanh nghiệp nếu được ký đúng đắn, bình đẳng và tự do thương lượng. Đồng thời, giúp tăng tính kỷ luật trong doanh nghiệp. Ngoài ra, thỏa ước lao động tập thể còn là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp tiến hành ký kết hợp đồng với người lao động.
Bài, ảnh: Minh Thiện, TD
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456