Nhằm thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB,CC,VC,NLĐ) có thu nhập thấp nắm rõ về điều kiện, thủ tục, định mức vay vốn để mua nhà ở xã hội hoặc xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các cấp công đoàn tuyên truyền, phổ biến đến CB,CC,VC,NLĐ biết những quy định của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Khu nhà ở dành cho công nhân ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Sưu tầm
* Về đối tượng được vay vốn:CB,CC,VC theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp. Bắt buộc CB,CC,VC,NLĐphải thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân.
* Về điều kiện vay vốn: (1) Phải thực hiện gởi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức gởi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng (gốc + lãi) của người vay vốn. Gởi tối thiểu 12 tháng. (2) Có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị hợp đồng mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua nhà ở xã hội; tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. (3) Có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định. (4) Có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với Ngân hành Chính sách xã hội. (5) Có giấy đề nghị vay vốn để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác. (6) Đối với vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất nơi đăng ký thường trú do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do người vay đứng tên); có thiết kế, dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định của pháp luật về xây dựng. (7) Người vay phải có hộ khẩu thường trú tại nơi có đất để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. (8) Người vay phải thế chấp bằng giá trị quyền sử dụng đất ở (tại nơi xây dựng nhà để ở) và tài sản khác (trường hợp không đủ tài sản để thế chấp thì có thể mượn thêm tài sản của người thân) theo quy định của pháp luật.
* Về mức vay, lãi suất cho vay và thời hạn vay: (1) Mức vốn cho vay tối đa bằng: 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. (2) Lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ. Hiện nay là 4,8%/năm (theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 13/8/2020). Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. (3) Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp người vay có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay về thời hạn cho vay thấp hơn.
* Phương thức vay, giải ngân tiền vay
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay trực tiếp tại trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hoặc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện (theo hộ khẩu nơi người vay đăng ký thường trú), Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Người vay vốn là thành viên của Tổ tiết kiệm vay vốn được thành lập và hoạt động theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội (tức là khi vay vốn người vay phải tham gia Tổ tiết kiệm vay vốn) – việc này sẽ do cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ làm “cầu nối” giúp.
Số tiền giải ngân lần đầu không quá 50% số tiền phê duyệt, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay giải ngân số tiền còn lại khi người vay đã hoàn thành phần thô hoặc trên 50% giá trị dự toán công trình. Mỗi lần giải ngân người vay vốn gởi Giấy đề nghị giải ngân theo mẫu của Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay.
Cán bộ được Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay phân công tiến hành kiểm tra tiến độ công trình. Nếu đủ điều kiện thì tiến hành giải ngân và đề nghị người vay vốn ký nhận nợ vào Phụ lục Hợp đồng tín dụng, phần theo dõi cho vay – thu nợ.
* Về định kỳ trả nợ gốc và lãi
Kỳ hạn trả nợ gốc: 12 tháng 1 lần kể từ người vay nhận khoản vay đầu tiên. Kỳ hạn trả nợ gốc được chia theo tháng để người vay vốn thực hiện. Số tiền trả nợ gốc cho mỗi kỳ hạn bằng mức trả nợ hàng tháng do Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay và người vay đã thỏa thuận nhân với 12 tháng.
Lãi tiền vay được tính theo số dư nợ thực tế và thực hiện thu hàng tháng bắt đầu từ tháng sau tháng nhận khoản vay đầu tiên.
Hàng tháng, người vay vốn chủ động nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi được mở tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay. Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện trích tài khoản tiền gửi của người vay vốn để thu lãi.
Khi CB,CC,VC,NLĐ vay vốn để mua nhà ở xã hội hoặc xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất là, Hộ vay phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do người vay đứng tên chủ quyền, đã chuyển mục đích sử dụng sang đất ở với diện tích tương ứng với diện tích nhà để ở và tài sản khác (trường hợp không đủ tài sản để thế chấp thì có thể mượn thêm tài sản của người thân).
Thứ hai là, Người vay phải có hộ khẩu thường trú tại thửa đất nơi xây dựng nhà ở.
Thứ ba là, Người vay thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân.
Thứ tư là, Hộ vay thuộc diện chưa có nhà để ở hoặc có nhà nhưng đã hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ đổ sập.
Thứ năm là, Có bản vẽ, dự toán công trình xây dựng nhà để ở và được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng nhà ở.
Nội dung chi tiết, mời các bạn xem Công văn số 283/LĐLĐ ngày 04/10/2019 của Liên đoàn Lao động tỉnh (được đăng trong mục Văn bản trên Trang thông tin điện tử congdoantravinh.com.vn) và Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 13/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên thuvienphapluat.vn.
MÂY TRẮNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456