Bảo hiểm xã hội (BHXH) được coi chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động (NLĐ) khi tuổi già, nghỉ hưu. Sổ BHXH được xem là “tài sản”, là “của để dành” cho NLĐ. Thời gian gần đây, lợi dụng một bộ phận NLĐ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhiều đối tượng công khai mời chào thu mua, cầm cố sổ BHXH.
Người lao động đến thực hiện thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại BHXH huyện Trà Cú.
Theo Công văn số 2858/VPCP ngày 12/4/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ký kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao các bộ, cơ quan: Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, BHXH Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời cảnh báo, xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ BHXH, siết chặc quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi. Ngày 15/4/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện ký kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trên địa bàn tỉnh…
Có thể nói, thu gom, mua bán sổ BHXH không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, làm giảm ý nghĩa ưu việt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nên rất được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, xử lý nghiêm.
Khoản 2, Điều 18, luật BHXH năm 2014 quy định NLĐ có quyền được cấp và quản lý sổ BHXH. Quy định này nhằm giúp NLĐ giám sát việc đóng BHXH, kịp thời ngăn ngừa tình trạng NLĐ bị trích trừ tiền lương để đóng BHXH nhưng chủ sử dụng lao động trốn tránh trách nhiệm, không nộp về cơ quan BHXH mà NLĐ không biết. Đồng thời khi nghỉ việc, NLĐ sẽ kịp thời được giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hoặc có ngay sổ BHXH để tiếp tục tham gia, cộng nối quá trình đóng BHXH khi chuyển sang làm việc tại đơn vị khác. Tuy nhiên, mặt trái của việc này lại nảy sinh tình trạng mua bán, cầm cố sổ BHXH.
Theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Hồng Anh, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh Trà Vinh, Luật BHXH năm 2014, NLĐ được cấp và quản lý sổ BHXH và có quyền được ủy quyền cho người khác nhận lương hưu và trợ cấp BHXH. Quyền ủy quyền này, cần phải hiểu rằng vì lý do nào đó như: ốm đau, thai sản, bận việc không thực hiện được việc nhận trợ cấp… phải ủy quyền cho người thân nhận thay. Mục đích của việc nhận thay bằng ủy quyền là tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng. Tuy nhiên, lợi dụng quy định này, các đối tượng đã lôi kéo, dụ dỗ NLĐ để mua, bán sổ BHXH, xem sổ BHXH là hàng hóa trao đổi, thỏa thuận, mua bán để kiếm lời. Việc mua, bán sổ BHXH là vi phạm pháp luật, bao gồm cả người mua và người bán.
Trong quá trình tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH cho NLĐ, Liên đoàn Lao động tỉnh và BHXH tỉnh Trà Vinh thường xuyên phân tích, khuyến cáo NLĐ không nên hưởng BHXH một lần vì không có lợi cho NLĐ so với việc tích lũy thời gian để hưởng chế độ hưu trí. Bà Nguyễn Thị Hồng Anh lưu ý: Nếu trường hợp bất khả kháng phải chọn nhận BHXH một lần, NLĐ trực tiếp hoặc ủy quyền cho người lãnh thay đến cơ quan BHXH cấp huyện để lập thủ tục hưởng nếu đủ điều kiện theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 11/11/2015. Việc giải quyết trợ cấp BHXH một lần được cơ quan BHXH chi trả kịp thời theo thủ tục, trình tự, đảm bảo đúng quyền lợi, chế độ cho người hưởng.
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động, tạm hoản thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc luân phiên… đã ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của NLĐ. Trước khó khăn này, NLĐ nên cảnh giác với những chào mời mua bán, cầm cố sổ BHXH trên mạng xã hội. Đừng vì cái lợi trước mắt mà thiệt thòi về sau vì khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ không có lương hưu và làm ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Bài, ảnh: TRÍ DŨNG
Tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan BHXH;
b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 214, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2017
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456