Mười một nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khóa XII) nhằm đảm bảo công bằng, tiến bộ, phát triển bền vững đất nước.
Công đoàn Khu Kinh tế tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH tại công ty TNHH YazakiEDS chi nhánh tỉnh Trà Vinh
Một là, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng gồm: trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm xã hội cơ bản và bảo hiểm hưu trí bổ sung. Trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách mà ngân sách nhà nước hỗ trợ một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp để người hưởng có mức hưởng cao hơn. Đối với bảo hiểm xã hội cơ bản, là loại hình hiện nay đang áp dụng, đó là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, cải cách theo hướng có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Hai là,sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác. Nghị quyết sửa đổi theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí. Hiện nay là 20 năm, hướng tới xuống 15 năm, 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Tiếp tục sửa đổi, cách tính lương hưu đối với nam và nữ, đối với người làm trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước để đảm bảo công bằng, đồng thời có sự chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp.
Ba là,tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ. Sự sửa đổi này yêu cầu thiết kế mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc, hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập, đồng thời quan tâm đếncác giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Bốn là, cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội.Đây vừa là nội dung cũng là mục tiêu phấn đấu, bảo đảm sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa các nhóm đối tượng tham gia, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm xã hội theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, phấn đấu đạt mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội là 90% vào năm 2030.
Năm là,đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức. Điều này chủ yếu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động trong khu vực phi chính thức.
Sáu là,sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của người lao động. Sửa đổi này hướng tới giảm quyền lợi nếu người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí, khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thời gian dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỉ lệ giảm trừ tiền lương hưu nếu người lao động muốn nhận chế độ hưu trí sớm.
Bảy là, thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Theo đó, từ năm 2021 sẽ áp dụng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách đối với nam và nữ trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung, nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn.
Tám là,sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Như vậy, tỉ lệ đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, sẽ sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.
Chín là, điều chỉnh tỉ lệ tích luỹ để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, cách tính lương hưu theo hướng giảm tỉ lệ tích luỹ, bảo đảm khả năng cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Có lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thực tế, bảo vệ quyền lợi của người hưởng chế độ hưu trí theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng và chia sẻ phù hợp.
Mười là, đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Có nghĩa là công tác dự báo tài chính, đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội phải hiệu quả, an toàn, bền vững. Ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn; mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của Quỹ thông qua uỷ thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế.
Mười một là,thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ. Cải cách điều này đồng nghĩa với việc điều chỉnh trợ cấp hưu trí xã hội theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước; quan tâm điều chỉnh thoả đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Từ ngày thành lập nước đến nay, Đảng ta luôn coi trọng và không ngừng quan tâm, phát triển hệ thống an sinh xã hội, nhất là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đánh giá là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Sự cải cách chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế lần này hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo lộ trình, đảm bảo công bằng, bình đẳng, tiến bộ chia sẻ và phát triển bền vững.
HỒNG ANH
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456