Phương tiện bảo vệ cá nhân là các dụng cụ, trang bị cho người lao động phải sử dụng để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, tổ chức, kỹ thuật vệ sinh, kỹ thuật an toàn,… chưa loại trừ được hoặc làm giảm đến mức cho phép. Trong thực tế sản xuất, có nhiều yếu tố nguy hiểm và có hại tác động đến người lao động, vì vậy người lao động cần phải sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và tuân thủ những nguyên tắc khi sử dụng nó để bảo vệ bản thân cũng như tài sản của doanh nghiệp.
Công nhân Công ty TNHH Woongsum Global VINA nghe tuyên truyền về ATVSLĐ
Trước khi sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, đặc biệt đối với phương tiện bảo vệ cá nhân có công dụng đặc biệt, người lao động cần: nắm rõ yếu tố nguy hiểm và có hại, mức độ ảnh hưởng của nó; chọn đúng phương tiện bảo vệ cá nhân cần dùng; kiểm tra tính năng bảo vệ của phương tiện bảo vệ cá nhân. Nếu chất lượng không đảm bảo, phải kiên quyết loại bỏ; đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và nắm vững những điều cần lưu ý. Đối với những phương tiện bảo vệ cá nhân có công dụng đặc biệt (mũ an toàn công nghiệp; khẩu trang và bán mặt nạ lọc bụi; Bán mặt nạ lọc hơi, khí hóa chất hữu cơ; kính chống bức xạ hồng ngoại, tử ngoại; nút tai, bịt tai chống ồn; găng tay chống axit; găng tay và ủng cách điện; ủng chống axit kiềm; giầy, ủng chống xăng, dầu mỡ; giầy an toàn; dây an toàn) người lao động phải được các chuyên gia huấn luyện sử dụng.
Trong khi sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, người lao động cần: tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng; định kỳ kiểm tra tính năng bảo vệ, vì hiệu quả bảo vệ của phương tiện bảo vệ cá nhân bị suy giảm theo thời gian sử dụng; bảo quản giữ gìn tốt phương tiện bảo vệ cá nhân. Do có nhiều chi tiết được làm bằng kim loại hoặc các vật liệu phi kim loại như vải sợi, nhựa tổng hợp, cao su,… các vật liệu này thường bị suy giảm độ bền trong quá trình sử dụng và bảo quản bởi nhiệt, tia bức xạ hồng ngoại, tử ngoại, độ ẩm, các chất ăn mòn, vi sinh vật,… Vì vậy khi bảo quản cần chú ý không để phương tiện bảo vệ cá nhân tiếp xúc với các yếu tố trên đồng thời để ở nơi khô ráo, tránh xa nguồn nhiệt, ánh nắng chiếu thẳng và chất ăn mòn.
Đối với người sử dụng lao động: có trách nhiệm trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hoặc trang bị lại khi phương tiện bảo vệ cá nhân bị mất, hư hỏng (có lý do chính đáng) hoặc hết hạn sử dụng; phải tổ chức hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện bảo vệ cá nhân thích hợp và phải kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng; phải kiểm tra để bảo đảm chất lượng, quy cách đối với phương tiện bảo vệ cá nhân chuyên dùng có yêu cầu kỹ thuật cao trước khi cấp, đồng thời định kỳ kiểm tra trong quá trình sử dụng và ghi sổ theo dõi; không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân không đạt yêu cầu kỹ thuật hoặc quá hạn sử dụng; yêu cầu người lao động phải sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định trong khi làm việc.
MINH THIỆN
Bài viết có sử dụng từ sách Bảo hộ lao động dành cho cán bộ công đoàn phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động do Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn An Lương chủ biên. NXB Lao động 2013.
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456