Thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể”, trong những năm qua được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện đạt hiệu quả, thể hiện được vai trò của công đoàn cơ sở trong việc nghiên cứu, rà soát, đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới và ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Trong nữa nhiệm kỳ qua (2018 – 2021), bình quân đã có 80/85 doanh nghiệp xây dựng bản thỏa ước lao động tập thể, đạt 94,11%. Trong đó, có 66/80 bản thỏa ước lao động tập thể được thương lượng, ký kết có lợi hơn cho người lao động, đạt 82,5%.
Để giúp bạn đọc hiểu rỏ hơn về Thỏa ước lao động tập thể, bài biết dưới đây nêu một số quy định của pháp luật về Thỏa ước lao động tập thể.
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Châu Thành thăm hỏi điều kiện làm việc của công nhân Công ty TNHH TM & SX Bảo Tiên
Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa đại diện tập thể người lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể (khoản 1 Điều 75 Bộ luật Lao động 2019). Dưới đây là một số quy định về thỏa ước lao động tập thể:
Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 75 Bộ luật Lao động 2019).
Lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể: Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành; Thời gian, địa điểm và cách thức lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo thỏa ước lao động tập thể do tổ chức đại diện người lao động quyết định nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tham gia thương lượng. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động lấy ý kiến biểu quyết về dự thảo thỏa ước (khoản 1, 2, 3 Điều 76 Bộ luật Lao động 2019).
Ký kết thỏa ước lao động tập thể: Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng (khoản 4,5,6 Điều 76 Bộ luật Lao động 2019).
Hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể: Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết. Thỏa ước lao động tập thể sau khi có hiệu lực phải được các bên tôn trọng thực hiện. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp (khoản 1,2 Điều 78 Bộ luật Lao động 2019).
Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể: Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể (khoản 3 Điều 78 Bộ luật Lao động 2019).
Chi phí thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể: Mọi chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thỏa ước lao động tập thể do phía người sử dụng lao động chi trả (Điều 89 Bộ luật Lao động 2019).
Gửi, công bố thỏa ước lao động tập thể: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động tham gia thỏa ước phải gửi 01 bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính (Điều 77 Bộ luật Lao động 2019). Sau khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho người lao động của mình biết (khoản 6, Điều 76 Bộ luật Lao động 2019).
Thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp: Người sử dụng lao động, người lao động, bao gồm cả người lao động vào làm việc sau ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực, có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực; Trường hợp quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể thì phải thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể. Quy định của người sử dụng lao động chưa phù hợp với thỏa ước lao động tập thể thì phải được sửa đổi cho phù hợp; trong thời gian chưa sửa đổi thì thực hiện theo nội dung tương ứng của thỏa ước lao động tập thể; Khi một bên cho rằng bên kia thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm thỏa ước lao động tập thể thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thỏa ước lao động tập thể và các bên có trách nhiệm cùng xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật (Điều 79 Bộ luật Lao động 2019).
Bài, ảnh: MINH THIỆN – TD
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456