Có lần, nhân câu chuyện kể với các bạn trẻ trong khu Phủ Chủ tịch, Bác Hồ nói:
“Các cô, các chú bây giờ đi học có trường, có bàn ghế, có thầy cô, bạn bè, sách vở, giấy bút, có giờ giấc đoàng hoàng. Tối đến có đèn điện, thế mà học một năm không lên được một lớp là không đúng. Ngày xưa, lúc Bác đang tuổi các cô, các chú thì tất cả bàn ghế, thầy, bạn, sách vở, giấy bút chỉ có trong bàn tay này thôi”.
Bác giơ bàn tay trái lên nói tiếp: “Hồi ấy Bác làm bồi tàu, làm người quét tuyết ở Anh, rồi đi làm phụ bếp. Làm việc từ sáng đến tối, suốt ngày không được cầm đến tờ báo mà xem. Đến đêm mới hết việc, mới được đọc sách, đọc báo. Ban ngày muốn học chỉ có một cách là viết chữ lên mảnh da tay này. Cứ mỗi buổi sáng viết mấy chữ, rồi đi cọ sàn tàu, cọ thùng, đánh nồi, rửa bát, thái thịt, băm rau, vừa làm vừa nhìn vào da bàn tay mà học. Hết ngày, người thì mồ hôi đầm đìa, chữ cũng mờ đi, cuối buổi đi tắm mới xoá được chữ ấy đi. Coi như đã thuộc. Sáng mai lại ghi chữ mới”.
Sách Hồ Chí Minh, đồng chí của chúng ta gồm nhiều hồi ký của các bạn Pháp viết, Nhà xuất bản Xã hội Pari in năm 1970, có trích một đoạn Bác trả lời phóng viên A.Kan (báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp) như sau: “Tôi không có hạnh phúc được theo học ở trường đại học. Nhưng cuộc sống đã cho tôi cơ hội học lịch sử, khoa học xã hội và ngay cả khoa học quân sự. Phải yêu cái gì? Phải ghét cái gì? Cũng như tôi, tất cả người Việt Nam cần phải yêu độc lập, lao động, Tổ quốc”.
“Tất nhiên không phải riêng tôi mà toàn thế giới đều kính trọng những nhà báo chân chính. Tôi cũng có thời gian học làm báo, cũng có thời gian tôi bỏ ngòi bút, cầm súng để chống lại kẻ thù, chống lại chủ nghĩa thực dân. Khi tôi còn ở Pháp, khi còn biết ít tiếng Pháp tôi đã là Tổng biên tập, biên tập và phát hành cả một tờ báo”.
Bác thường nói với cán bộ: “Học thêm được một thứ tiếng nước ngoài coi như có thêm một chìa khoá để mở thêm một kho tàng tri thức. Việc học là việc suốt đời”.
Việc học tập về tấm gương của Bác bằng những công việc cụ thể, hàng ngày để bản thân hoàn thiện hơn là mục tiêu phấn đấu của bản thân tôi. Là cán bộ Ban Tuyên giáo và Nữ công, tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tự học, tự nghiên cứu thêm những kiến thức, những tài liệu có liên quan đến lĩnh vực của mình được phân công. Bên cạnh đó, bản thân tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để học tập thêm ngoại ngữ, một số kỹ năng để phục vụ công tác chuyên môn. Qua câu chuyện của Bác không chỉ làm gương cho tất cả mọi người chúng ta, mà còn động viên chính tôi không ngừng nỗ lực học tập phấn đấu vươn lên, nhờ học tập và làm theo Bác bản thân tôi đã dần hoàn thiện mình hơn, trang bị thêm nhiều kiến thức để phục vụ công tác ngày càng tốt hơn
Học từ Bác không phải là điều gì quá to lớn mà đó là những công việc hàng ngày. Từ câu chuyện trên, tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng có thể học tập và làm theo Bác để tự rèn luyện bản thân mình ngày càng hoàn thiện.
Mẫu chuyện do đồng chí Nguyễn Thị Kim Phương, cán bộ Ban Tuyên giáo và Nữ công LĐLĐ tỉnh kể trong buổi chào cờ ngày 25/2/2019, mẫu chuyện được trích từ Chủ tịch Hồ Chi Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, NXB Lao động – 2008.
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456