Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động (NLĐ) trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm được LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tâp trung thực hiện trong thời gian qua và những năm tiếp theo nhằm góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật cho NLĐ.
LĐLĐ huyện Càng Long tuyên truyền pháp luật BHXH tại Công ty TNHH may mặc Đông Thái
Người lao động khó tiếp cận pháp luật
Pháp luật lao động là công cụ điều chỉnh quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Tuy nhiên do kiến thức pháp luật còn hạn chế mà NLĐ chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình, cũng như chưa tự bảo vệ được quyền lợi khi bị NSDLĐ vi phạm. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh mâu thuẩn, dẫn đến tranh chấp lao động và đình công trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong những năm qua.
Thực trạng NLĐ còn hạn chế kiến thức pháp luật có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là họ rất khó tiếp cận với các quy định pháp luật lao động hiện hành. Bà Lê Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Theo quy định, cụ thể là tại điều 18, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, NSDLĐ có trách nhiệm bố trí thời gian, bảo đảm các điều kiện cần thiết để phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp với tổ chức công đoàn tổ chức phổ biến pháp luật cho NLĐ. Tuy nhiên, trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến công tác này, có doanh nghiệp còn xem đây là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn nhưng khi cán bộ công đoàn đến liên hệ với để tổ chức phổ biến pháp luật cho NLĐ thì phía doanh nghiệp chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi, viện một số lý do như không bố trí được thời gian vì trùng lịch sản xuất, hoặc bố trí thời gian nhưng không hợp lý (có khi dành khoảng 01 giờ sau khi kết thúc ca) nên chất lượng, hiệu quả tuyên truyền không cao.
Nhiều Chủ tịch CĐCS khẳng định, trong thời đại Công nghiệp 4.0 mà cho rằng NLĐ không có điều kiện tiếp cận với pháp luật là chưa chính xác. Một Chủ tịch CĐCS trong doanh nghiệp cho hay, gần như 100% NLĐ sử dụng smartphone nhưng họ lười tìm hiểu, cập nhật thông tin mà chủ yếu vào các mạng xã hội đọc, xem những nội dung nhảm nhí, giật gân.
Đa dạng hình thức tuyên truyền, tiếp cận NLĐ
Xác định vai trò, tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho NLĐ. Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để tạo thuận lợi tốt nhất cho NLĐ tiếp cận.
Bà Lê Thị Kim Chi cho biết thêm: Nội dung pháp luật về lao động rất nhiều, nhưng chúng tôi chủ yếu tập trung tuyên truyền, phổ biến về quyền và nghĩa vụ của NLĐ, về việc làm, an toàn vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, pháp luật công đoàn và các quy định khác có liên quan trực tiếp đến NLĐ. Các nội dung này được biên tập theo hướng cô đọng, có trọng tâm, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu. Về phương pháp tuyên truyền, do tính đa dạng, đặc thù về nghề nghiệp, độ tuổi, làm việc theo dây chuyền, theo ca nên cần phải đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật cho phù hợp. Tuyên truyền trực tiếp (tuyên truyền miệng) vẫn là hình thức chủ yếu kết hợp với niêm yết các quy định pháp luật tại nơi làm việc, tủ sách pháp luật, tờ gấp, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Gần đây, LĐLĐ tỉnh chú trọng, phát huy các hình thức tuyên thông qua các kênh thông tin hiện đại như Trang thông tin điện tử và các mạng xã hội. LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn đã xây dựng trang fanpage chính thức của đơn vị, cá nhân cán bộ công đoàn hoặc các nhóm liên kết để đăng tải, chia sẻ thông tin pháp luật. Các kênh tuyên truyền, phổ biến pháp luật mới này bước đầu đã phát huy hiệu quả nhất định do có ưu thế là sức lang tỏa cao, phù hợp với phát triển công nghệ và những NLĐ trẻ tuổi. LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, có tổng kết, rút kinh nghiệm để dần hoàn thiện các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho NLĐ, để công tác này ngày càng thiết thực, hiệu quả, đến với đông đảo NLĐ.
Bài, ảnh: BAN MAI
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456