Năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh thực hiện 07 nhóm chỉ tiêu với 13 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có: kết nạp 5.000 đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) tại 02 doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên.
Buổi lễ công bố quyết định thành lập CĐCS Công ty TNHH TM&SX Bảo Tiên
Sáu tháng đầu năm, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS, mặc dù trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp công đoàn luôn phấn đấu thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được Liên đoàn Lao động tỉnh giao đạt kết quả tốt. Trong 06 tháng đã kết nạp mới 7.353 đoàn viên công đoàn (đạt 147,06 % so với chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao); thành lập mới 04 CĐCS trong doanh nghiệp (trong đó, có 02 CĐCS có 25 công nhân lao động trở lên, đạt 100 % so với chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao); tính đến nay có 892 CĐCS và nghiệp đoàn với 53.747 đoàn viên công đoàn/59.253 công nhân, viên chức, lao động.
Qua khảo sát của các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thì hiện còn 13 doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên (trên địa bàn huyện Cầu Ngang: 01 doanh nghiệp, thị xã Duyên Hải: 01 doanh nghiệp, thành phố Trà Vinh: 10 doanh nghiệp và thuộc Khu Kinh tế: 01 doanh nghiệp). Đây là các doanh nghiệp mà các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần phấn đấu tuyên truyền, vận động thành lập, đảm bảo 100% doanh nghiệp có 25 lao động trở lên và phấn đấu các doanh nghiệp có từ 10 công nhân lao động trở lên có tổ chức Công đoàn theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh. Từ đó góp phần vào chỉ tiêu “Phấn đấu đến năm 2025 hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên có tổ chức công đoàn” đã được Bộ Chính trị đề ra trong Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá: Trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động… Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Với mục tiêu “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị – xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Bộ Chính trị đã đề ra 05 quan điểm chỉ đạo và các nhóm mục tiêu cụ thể:
* Đến năm 2025: Phấn đấu có 13,5 triệu đoàn viên công đoàn, hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức công đoàn; đến năm 2023 phấn đấu có 12 triệu đoàn viên. Phấn đấu 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể; đến năm 2023 đạt tỉ lệ trên 70%.
* Đến năm 2030: Phấn đấu có 16,5 triệu đoàn viên công đoàn; nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Phấn đấu 85% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể.
* Đến năm 2045: Hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam; 99% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể.
Để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:(1). Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở; (2). Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; (3). Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới; (4). Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; (5). Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; (6). Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn.
Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới cũng nêu rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành: (1) Tỉnh uỷ, các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc Trung ương cụ thể hoá, bổ sung các nội dung, chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch hàng năm. (2) Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 và các đạo luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết. (3) Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tốt việc thi hành pháp luật; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện; tăng cường phối hợp hoạt động với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (4) Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, đề xuất những vấn đề về tuyển dụng, giao biên chế, chế độ, chính sách đối với cán bộ công đoàn chuyên trách, một số mô hình thí điểm về tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với tình hình mới. (5) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, đưa nội dung về giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn vào chương trình đào tạo lý luận chính trị và bồi dưỡng cán bộ trong các học viện, trường chính trị.
Bài, ảnh: MÂY TRẮNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456