Quang cảnh Hội nghị
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách BHXH, BHYT giữa Lãnh đạo: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh với 300 nữ đoàn viên công đoàn, công nhân lao động (CNLĐ) tỉnh Trà Vinh năm 2020
CNLĐ sôi nổi đặt ra nhiều vấn đề cần giải đáp
Ngày 22/11/2020, tại cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh, hai cuộc hội nghị diễn ra với sự tham gia của 200 nữ đoàn viên công đoàn, CNLĐ trên địa bàn thành phố Trà Vinh và nữ đoàn viên công đoàn, CNLĐ thuộc Khu Công nghiệp Long Đức
Với trên 50 câu hỏi được đặt ra cho Lãnh đạo các đơn vị xoay quanh các điều kiện để hưởng các chế độ, hồ sơ thủ tục và có nhiều vấn đề so sánh gởi đến lãnh đạo để trong quá trình kiến nghị với Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các đơn vị cần xem xét thêm vì thực tế công việc của CNLĐ rất vất vả…, cụ thể như:
Về chế độ ốm đau, nhiều vướng mắc phát sinh trong thực tế như: Khi con bệnh, hai vợ chồng làm khác công ty và cả hai đều có đóng BHXH, vậy hai người có được hưởng bảo hiểm hết không?
Các trường hợp NLĐ bị tai nạn giao thông trên tuyến đường đi/về (đường giao thông nông thôn) và với thời gian hợp lý nhưng khi liên hệ Công an địa phương làm biên bản xác nhận thì chưa nhận được sự phối hợp nên không thể làm hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động; hoặc NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng công ty chưa đóng BHXH, khi bị tai nạn lao động có được nhận chế độ gì không/ai chi trả? trường hợp khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cũng còn nhiều vấn đề vướng trong thủ tục để hưởng chế độ.
NLĐ đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh chế độ thai sản như: có khống chế số lần sinh hay không; Nhà nước có chính sách, chế độ gì để hỗ trợ công nhân nữ khi đặt vòng tránh thai? Sinh xong bao nhiêu ngày được nhận tiền thai sản? Trường hợp lao động nữ trong thời gian mang thai mà ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý thai kỳ thì được nghỉ bao nhiêu ngày cho mỗi lần khám thai định kỳ? và cơ sở nào xác định là “ở xa”? doanh nghiệp có số lượng lao động nữ là bao nhiêu thì có phòng vắt sữa, ở Trà Vinh có bao nhiêu doanh nghiệp có phòng vắt sữa? lao động nữ nghỉ thai sản sau khi trở lại làm việc thường bị người sử dụng lao động bố trí công việc khác vì công việc trước kia đã có người thay thế, vậy người sử dụng lao động làm như thế có đúng pháp luật không và có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này? Nghỉ thai sản 6 tháng, có được nghỉ thêm không và được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?
Và đặc biệt người lao động đang rất quan tâm đến chế độ hưu trong một số trường hợp đủ 20 năm đóng nhưng chưa đủ tuổi; Nếu người đang hưởng lương hưu bị mất thì tiền lương hưu đó, thân nhân có được hưởng tiếp tục không? Một công nhân có so sánh như sau: công nhân làm việc 48 giờ/tuần còn CBCCVC chỉ làm 40 giờ/tuần mà tuổi khi nghỉ hưu cũng bằng nhau, như vậy còn có chế độ nào để đảm bảo công bằng giữa người lao động ở doanh nghiệp và người làm ở khu vực nhà nước? hoặc như một công nhân vệ sinh có chia sẻ “Chúng tôi là công nhân vệ sinh, hàng ngày phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại mặc dù công ty có chế độ bồi dưỡng nhưng sức khỏe của chúng tôi cũng không thể đảm bảo làm việc đến 60 hay 62 tuổi, do vậy chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh tiếp tục kiến nghị với Đảng, Nhà nước khi tăng tuổi hưu cần xem xét đến đối tượng là công nhân vệ sinh như chúng tôi”.
Ngoài ra, CNLĐ còn đặt nhiều vấn đề liên quan đến điều kiện đóng/không đóng BHXH, BHYT như: trong thời gian nghỉ sinh con có phải đóng BHYT, BHXH không? Trong tháng người lao động nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên thì có đóng BHXH, BHYT không? Và CNLĐ hỏi rõ thêm về quyền lợi khi tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục hoặc nếu người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của Covid và không được đóng BHYT, thì nếu có bị đau ốm trong thời gian này thì BHYT có hỗ trợ hay có tạo điều kiện cho người lao động giải quyết chế độ không?
Giải đáp chi tiết – CNLĐ nắm vững hơn về kiến thức pháp luật
Với không khí gần gũi, sự giải đáp nhiệt tình, chân thành của Lãnh đạo các ngành làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy định của pháp luật cũng như tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của CNLĐ phản ánh với các ngành, các cấp.
Ngoài giải đáp trực tiếp tại hội nghị, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ có văn bản gởi đến các công đoàn cơ sở – nơi CNLĐ có thắc mắc và đặc biệt là Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ chuyển thể các nội dung đối thoại và đăng tải vào mục Hỏi – Đáp của Trang thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh cũng như cung cấp số điện thoại tư vấn pháp luật để cán bộ công đoàn, CNLĐ biết để được tư vấn qua đó nắm vững pháp luật về BHXH, BHYT nhằm tự kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện của người sử dụng lao động và của ngành chuyên môn.
Ngày 29/11/2020, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách BHXH, BHYT với 100 nữ đoàn viên công đoàn, CNLĐ trên địa bàn huyện Châu Thành./.
MÂY TRẮNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456