Sau khi được học tập, quán triệt, cán bộ, đoàn viên công đoàn cả nước nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng hết sức vui mừng, phấn khởi đón nhận Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, cho thấy sự quan tâm của Đảng về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Tỉnh ủy Trà Vinh cũng đã ban hành Chương trình số 24-Ctr/TU ngày 30/11/2021 cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khẳng định “Các cấp Công đoàn tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân lao động tham gia Công đoàn. Tổ chức Công đoàn được củng cố, phát triển về số lượng và chất lượng; mở rộng hoạt động sang khu vực ngoài nhà nước; Phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, doanh nghiệp, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giữ mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; Công đoàn làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Không chỉ khẳng định những thành tựu của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thời gian qua, Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 24-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn chỉ ra những hạn chế yếu kém cần khắc phục đó là: “Công tác phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động; chất lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở còn hạn chế. Mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, người lao động có mặt chậm được đổi mới. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn còn bất cập; nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực yếu… Hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, người lao động chưa cao. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, người lao động có mặt còn hạn chế…”.
Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 24-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: (1) Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở. (2) Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. (3) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới. (4) Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. (5) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn. (6) Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn.
Trong các giải pháp trên, giải pháp “Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động” các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
Một là, các cấp công đoàn chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, trọng tâm là Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Kết luận số 79-KL/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; Chỉ thị số 52-CT/TW, ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”, cùng các chỉ thị, nghị quyết khác có liên quan. Chủ động đề xuất và tham gia kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công nhân, công đoàn.
Hai là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn tăng cường nghiên cứu, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, các hoạt động văn hóa, thể thao, các phong trào, mô hình, điển hình… thích ứng với tình hình mới theo hướng đổi mới nội dung, phương thức gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn để CNVCLĐ, nhất là người lao động trong doanh nghiệp thấy rõ quyền, lợi ích khi gia nhập tổ chức công đoàn. Chú trọng quyền lợi, phúc lợi của đoàn viên, người lao động.
Ba là, tăng cường đổi mới công tác vận động, thuyết phục để người lao động hiểu đúng về tổ chức công đoàn, tự nguyện tham gia, ủng hộ thành lập, xây dựng công đoàn ở cơ sở, người sử dụng lao động bảo đảm quyền của người lao động được tham gia hoạt động trong tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của người lao động và sự phát triển của doang nghiệp; gắn việc đổi mới công tác vận động với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng, nâng cao về chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Người đứng đầu tổ chức công đoàn phải có uy tín cao, am hiểu sâu sắc về chuyên môn, có năng lực và kinh nghiệm thực tiễn về công tác vận động quần chúng, nhất là vận động công nhân, người lao động và người sử dụng lao động. Triển khai sâu rộng chuyên đề toàn khóa Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng của Đảng, đất nước, của tỉnh và của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Qua đó, giúp đoàn viên, CNVCLĐ nhận thức sâu sắc, toàn diện về giai cấp, về Đảng, về chế độ, về công đoàn và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; khích lệ lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử đất nước, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội cho CNVCLĐ; hiểu biết, tôn trọng và chấp hành pháp luật, tích cực bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững bản lĩnh chính trị, tăng sức đề kháng đối với các văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động ngừng việc tập thể, đình công trái pháp luật, gây rối, làm mất an ninh, trật tự.
Năm là, tăng cường phát triển các loại hình truyền thông của tổ chức công đoàn, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền. Củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng các kênh truyền thông mạng xã hội facebook, zalo, youtube… nhằm nâng cao khả năng truyền tải, kết nối thông tin đến với đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ. Thường xuyên đảm bảo đủ số lượng, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền và nắm bắt dư luận xã hội trong hệ thống công đoàn.
Để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Các nhiệm vụ và giải pháp không độc lập, tách rời mà có mỗi liên hệ chặc chẽ với nhau. Trong đó, thực hiện có hiệu quả giải pháp về đổi mới công tác tuyên truyền, vận động sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 24-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
NGUYỄN QUỐC VẠN
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456