Đề xuất giảm thời giờ làm việc của người lao động:
Bài 2: Duy trì và đảm bảo sức khỏe của người lao động
Giảm giờ làm việc là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp (DN) nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của người lao động (NLĐ).
Người lao động đang phải làm việc rất nhiều trong năm
Theo các chuyên gia lao động, thời gian làm việc dài có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cả NLĐ và DN, đến từ việc xáo trộn nhịp sinh học, tai nạn lao động, cuộc sống gia đình và xã hội, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sức khỏe và hiệu suất trong công việc. Nhiều lập luận cho rằng kéo dài thời gian làm việc “(1) Vì nhu cầu của DN, các hiệp hội DN đều muốn tăng thời giờ làm thêm tối đa của NLĐ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN; (2) nhu cầu của NLĐ để nâng cao thu nhập và (3) tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam chưa cao do số giờ làm thêm tối đa của NLĐ Việt Nam hiện ở mức thấp”[1].
Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của NLĐ, từ mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ – chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động trong thời kỳ thai sản, có con nhỏ. Tiền lương làm thêm giờ đối với phần lớn NLĐ không đủ bù đắp các chi phí xã hội như thuê người đón con, trông con ngoài giờ hoặc tái sản xuất sức lao động. “Việc giảm giờ làm sẽ tạo ra động lực để DN ứng dụng công nghệ, thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới quản trị DN, nâng cao năng xuất lao động. Trong khi đó, NLĐ sẽ có điều kiện tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững”[2].
Theo một thống kê khác cho thấy, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức thấp so với thế giới (xem hình). Điều này cũng đồng nghĩa với việc quỹ thời gian làm việc trong năm của nước ta là rất cao so với khu vực và trên thế giới[3].
Nguồn: http://www.vnmedia.vn
Theo bà Lê Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, vấn đề làm thêm giờ liên tục, kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều NLĐ bức xúc; NLĐ không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình chưa kể đến tăng ca sẽ gây nhiều tâm lý lo lắng về tình hình an toàn khi phải về khuya. Như vậy giảm giờ làm hoặc tăng tiền làm thêm theo lũy tiến sẽ đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, xã hội, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho NLĐ, tạo điều kiện để có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững.
Trong quá trình tổng hợp ý kiến của NLĐ và các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, cũng như qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh, Hội đồng nhân dân tỉnh, hầu hết ý kiến của NLĐ và cán bộ công đoàn không đồng tình với phương án tăng thời giờ làm thêm tối đa của NLĐ. Một số ý kiến đồng tình nhưng đề xuất nên có lộ trình và nhóm đối tượng, ngành nghề cụ thể. Bởi họ mong muốn có nhiều thời gian hơn cho gia đình, chăm sóc con cái và nghỉ ngơi.
BAN MAI
[1]Bộ Lao động Thương binh và xã hội: Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động năm 2012.
[2] Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động – Tổng LĐLĐ Việt Nam (Tạp chí Lao động – Công đoàn số 657/2019)
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456