Với nhiều người lao động (NLĐ), lợi ích thiết thực nhất của việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là có một khoản thu nhập khi về già. Vậy từ năm 2020, khi nhiều chính sách BHXH liên quan đến chế độ hưu trí thay đổi thì cách tính lương hưu có gì khác? Để làm rỏ vấn đề này, Ban Biên tập nêu các trường hợp để bạn đọc tham khảo.
Trường hợp 1. NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật BHXH xã hội, nếu làm việc trong điều kiện bình thường thì khi nghỉ hưu, NLĐ phải có ít nhất 20 năm đóng BHXH và đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ mới được hưởng lương hưu.
Với những công việc đặc thù khác thì điều kiện về số năm đóng BHXH vẫn không thay đổi (20 năm), tuy nhiên có sự ưu tiên về tuổi nghỉ hưu của NLĐ, như:
– Nam đủ 55 – 60 tuổi, nữ đủ 50 – 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
– Nam/nữ đủ 50 – 55 tuổi và 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
– Không giới hạn độ tuổi với người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Trong những trường hợp này, NLĐ sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng với mức
Lương hưu hàng tháng | = | Tỷ lệ hưởng (tối đa 75%) | x | Mức bình quân tiền lương/ thu nhập tháng đóng BHXH |
Trong đó:
* Đối với lao động nam:
– Nghỉ hưu từ ngày 01/01/2020: Tỷ lệ hưởng 45% tương ứng với 18 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.
Ví dụ: Ông A làm việc trong điều kiện bình thường và đến năm 2020 đủ tuổi nghỉ hưu. Tính đến thời điểm nghỉ, ông có 28 năm đóng BHXH. Lương hưu hàng tháng của ông được tính: 18 năm đóng BHXH = 45%; 10 năm đóng BHXH còn lại = 10 x 2% = 20%. Như vậy lương hưu hàng tháng của ông A sẽ bằng 65% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
– Nghỉ hưu từ ngày 01/01/2021: Tỷ lệ hưởng 45% tương ứng với 19 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.
Ví dụ: Ông B là công nhân làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Năm 2021, ông nghỉ hưu khi đủ 58 tuổi và có đủ 15 làm công việc này với 35 năm đóng BHXH. Mức lương hưu hàng tháng của ông được tính: 19 năm đóng BHXH = 45%; 16 năm đóng BHXH còn lại = 16 x 2% = 32%. Tổng tỷ lệ hưởng lương lưu theo số năm đóng BHXH của ông B là 77%, tuy nhiên theo quy định, tỷ lệ này tối đa chỉ 75%. Do đó, hàng tháng, ông B sẽ nhận được lương hưu bằng 75% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
– Nghỉ hưu từ ngày 01/01/2022 trở đi: Tỷ lệ 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.
Ví dụ: Giả sử năm 2025, ông C nghỉ hưu do nhiễm HIV/AIDS trong quá trình làm việc. Lúc này, ông có 32 năm đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của ông xác định như sau: 20 năm đóng BHXH = 45%; 12 năm đóng BHXH còn lại = 12 x 2% = 24%. Do vậy, khi nghỉ hưu, mỗi tháng ông C nhận được 69% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
* Đối với lao động nữ
Nghỉ hưu từ ngày 01/01/2020 trở đi: Tỷ lệ 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.
Ví dụ: Bà D làm việc trong điều kiện bình thường. Năm 2020, bà nghỉ hưu khi vừa tròn 55 tuổi và có 30 năm đóng BHXH. Lương hưu hàng tháng của bà được tính dựa trên tỷ lệ hưởng: 15 năm đóng BHXH = 45%; 15 năm đóng BHXH còn lại = 15 x 2% = 30%. Tổng hợp lại, lương hưu của bà D sẽ bằng 75% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
Một số lưu ý thêm về lương hưu đối với lao động nữ:
Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 thay đổi cách tính lương hưu của NLĐ so với Luật BHXH 2006. Theo đó, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 – 2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng bị tác động chính vì vậy ngày 07/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021. Theo đó tại điều 3 quy định, mức lương hưu của lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng được xác định như sau:
Mức lương hưu thực tế = Mức lương hưu tính theo quy định tại Luật BHXH 2014 + Mức điều chỉnh.
Trong đó:
– Mức lương hưu tính theo quy định tại Luật BHXH 2014: Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2% đến mức tối đa bằng 75%.
– Mức điều chỉnh: Được tính bằng mức lương hưu nêu trên nhân với tỉ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu.
Cụ thể:
Thời gian đã đóng BHXH | Tỷ lệ điều chỉnh năm 2020 |
20 năm | 3,64% |
20 năm 1 tháng – 20 năm 6 tháng | 3,93% |
20 năm 7 tháng – 21 năm | 4,21% |
21 năm 1 tháng – 21 năm 6 tháng | 4,48% |
21 năm 7 tháng – 22 năm | 4,75% |
22 năm 1 tháng – 22 năm 6 tháng | 5,00% |
22 năm 7 tháng – 23 năm | 5,25% |
23 năm 1 tháng – 23 năm 6 tháng | 5,48% |
23 năm 7 tháng – 24 năm | 5,71% |
24 năm 1 tháng – 24 năm 6 tháng | 5,94% |
24 năm 7 tháng – 25 năm | 6,15% |
25 năm 1 tháng – 25 năm 6 tháng | 5,45% |
25 năm 7 tháng – 26 năm | 4,78% |
26 năm 1 tháng – 26 năm 6 tháng | 4,12% |
26 năm 7 tháng – 27 năm | 3,48% |
27 năm 1 tháng – 27 năm 6 tháng | 2,86% |
27 năm 7 tháng – 28 năm | 2,25% |
28 năm 1 tháng – 28 năm 6 tháng | 1,67% |
28 năm 7 tháng – 29 năm | 1,10% |
29 năm 1 tháng – 29 năm 6 tháng | 0,54% |
Ví dụ: Năm 2020, bà A 55 tuổi và có 25 năm đóng BHXH, đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 5.200.000 đồng/tháng.
Mức lương hưu bà A nhận được nếu nghỉ hưu vào năm 2020 được tính như sau: Mức lương hưu tính theo quy định của Luật BHXH 2014: 15 năm đóng BHXH = 45%; 10 năm còn lại = 10 x 2% = 20%. Tổng là 45% + 20% = 65%. Chỉ với cách tính này, lương hưu bà A nhận được sẽ bằng 65% x 5.200.000 đồng/tháng = 3.380.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, với 25 năm đóng BHXH, bà còn được nhận thêm một khoản tiền hỗ trợ với tỉ lệ 6,15% và bằng 6,15% x 3.380.000 đồng/tháng = 207.870 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương hưu thực tế của bà A bằng 3.380.000 đồng/tháng + 207.870 đồng/tháng = 3.587.870 đồng/tháng.
Lưu ý, mức lương hưu của những NLĐ còn lại vẫn được tính theo quy định của Luật BHXH hiện hành, không được hỗ trợ thêm.
Trường hợp 2. NLĐ nghỉ hưu trước tuổi
Điều 55 Luật BHXH xã hội năm 2014 nêu rõ, NLĐ suy giảm khả năng lao động được hưởng lương hưu trước tuổi tiêu chuẩn (trường hợp 1) khi có đủ 20 năm đóng BHXH. Cụ thể:
– Nghỉ hưu từ ngày 01/01/2020 trở đi: nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
– Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Với quy định này có thể thấy, sự thay đổi của chính sách BHXH chỉ tác động đến NLĐ nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên làm việc trong điều kiện bình thường mà không ảnh hưởng tới những lao động khác. Như vậy, nếu nghỉ hưu từ năm 2020, NLĐ phải có 20 năm đóng BHXH trở lên đồng thời đủ 55 tuổi đối với nam, 50 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên.
Tuy nhiên, cách tính lương hưu lại không có sự khác biệt so với trước đây, vẫn thấp hơn lương hưu khi nghỉ đúng tuổi, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Ví dụ: Bà E bị suy giảm khả năng lao động 63%, nghỉ việc hưởng lương hưu vào tháng 01/2020 khi đủ 50 tuổi 01 tháng. Tính đến thời điểm nghỉ, bà có 28 năm đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng lương hưu của bà được xác định như sau: 15 năm đóng BHXH = 45%; 13 năm đóng BHXH còn lại = 13 x 2% = 26%. Tuy nhiên, bà E lại nghỉ hưu khi 50 tuổi 01 tháng (nghỉ trước tuổi 55 là 04 năm 11 tháng) nên tỷ lệ hưởng bị trừ = 4 x 2% + 1% = 9%. Vậy tổng tỷ lệ hưởng lương hưu của bà khi nghỉ hưu trước tuổi = 45% + 26% – 9% = 62% và bà sẽ được nhận lương hưu mỗi tháng bằng 62% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
MÂY TRẮNG (t/h)
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456