Tại Công ty CP Dược phẩm TV-Pharm, chị Lưu Dương Kim Hương, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cũng chia sẻ, Công ty đã triển khai các nghiệp vụ để thực hiện trả lương cơ bản cho người lao động theo Nghị định số 38/NĐ-CP của Chính phủ. Theo tính toán của bộ phận chuyên môn, bình quân người lao động được tăng lương tương ứng với 7%, cao hơn so với mức tăng của Chính phủ. Tổng quỹ tiền lương tăng thêm của công ty khoảng 210 triệu đồng/tháng.
Tại Công ty CP Trà Bắc, ông Đinh Văn Hiểu, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cho biết, Ban Giám đốc công ty đã chỉ đạo các bộ phận liên quan rà soát, điều chỉnh tiền lương của người lao động theo Nghị định số 38/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là tin vui của người lao động đồng thời là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Qua nắm tình hình tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ trước và chờ Nghị định của Chính phủ là áp dụng ngay tại doanh nghiệp mình.
Ghi nhận tại Khu Công nghiệp Long Đức bước đầu cho thấy, phần lớn NLĐ đều vui mừng, phấn khởi trước thông tin quyết định tăng mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Tuy số tiền lương tăng không nhiều nhưng ở thời điểm hiện tại cũng giúp cho người lao động bù đắp được phần nào chi phí sinh hoạt hay một chút chi phí trượt giá, ví dụ như tiền xăng xe, tiền gas… Chị Nguyễn Thị Hồng Điều, Công ty Cổ phần cắt may Sofa Hoa Sen chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu từ 01/7. Trong 02 năm qua, đời sống của NLĐ vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đồng nghĩa với thu nhập của NLĐ được cải thiện, cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Đồng tình với ý kiến trên, chị Lưu Thi Bích Liễu, Công ty TNHH may xuất khẩu Hùng Vỹ phấn khởi trãi lòng: “Khi giá xăng, thực phẩm và các mặt hàng khác đều tăng thì chi phí cuộc sống của người lao động chúng tôi cũng tăng. Việc tăng lương từ 01/7 sẽ giúp chúng tôi có thêm một khoản để chi tiêu cho gia đình”.
Để giám sát thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương tối thiểu đối với người lao động, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chỉ đạo công đoàn sơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong quá trình xây dựng thang, bảng lương của doanh nghiệp theo quy định mới về tăng lương tối thiểu. Cùng với đó là thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình từ cơ sở và báo cáo đánh giá tình hình tiền lương năm 2022 của các doanh nghiệp thuộc ngành, địa phương. Tập hợp, nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Nghị định số 38/2022/NĐ-CP cũng như pháp luật lao động, công đoàn, BHXH.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, BHXH… của các doanh nghiệp; Theo dõi, bám sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất. Khi có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát, cần chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời giải quyết, đảm bảo quyền lợi của tập thể người lao động, không để xẩy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chăm lo, bảo đảm đời sống cho người lao động, góp phần đảm bảo việc làm bền vững, an sinh của người lao động và sự ổn định, phát triển lâu dài của thị trường lao động.
Bài, ảnh: TRÍ DŨNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456