Theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, vừa qua Liên đoàn Lao động tỉnh đã yêu cầu các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức lấy ý kiến trong cán bộ, đoàn viên công đoàn và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (gọi tắt là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung).
Điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung (dự thảo 2) so với Luật Công đoàn 2012
Bổ sungquyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; Quy định rõ hơn Cán bộ công đoàn chuyên trách là người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được đại hội, hội nghị công đoàn các cấp bầu ra để đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức công đoàn; Tranh chấp về quyền công đoàn bổ sung thêm tranh chấp phát sinh giữa tổ chức công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp về việc thực hiện quyền công đoàn.
Bổ sungthêm việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập, hoạt động hợp pháp, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam và trở thành CĐCS theo trình tự, thủ tục do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định. Bổ sunggiao quyền quy định về từng cấp công đoàn cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Bổ sung làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm: hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động và cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn (bao gồm 07 nhóm hành vi); quy định rõ về hành vi sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác để can thiệp, thao túng vào quá trình thành lập và hoạt động của công đoàn nhằm làm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu việc thực hiện các chức năng của tổ chức Công đoàn và đặc biệt là bổ sung hành vi trốn đóng, chậm đóng, đóng không đúng, không đủ kinh phí công đoàn.
Bổ sung thêm công đoàn chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và của người lao động.
Về tổ chức, cán bộ, quy định thêm cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn là CBCCVCNLĐ theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn: không còn ấn định số giờ/tháng mà Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn được sử dụng để làm công tác công đoàn và vẫn được trả lương.
Liên quan đến tài chính công đoàn: bổ sung thêm những trường hợp được xem xét miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn và Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quy định cụ thể. Bổ sung định kỳ hai năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tài chính công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội và kiểm toán đột xuất khi có yêu cầu.
Thay thế một số từ, cụm từ cho phù hợp với các luật như thay “bảo hộ lao động” bằng “an toàn, vệ sinh lao động”; thay “hài hoà, ổn định và tiến bộ” bằng “tiến bộ, hài hòa và ổn định”.
Nhiều ý kiến đề nghị vẫn giữ quy định về 2% kinh phí công đoàn và tỷ lệ phân phối do Chính phủ quy định
Hầu hết ý kiến thống nhất cao với điểm 11 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung là bổ sung khoản 5 quy định những trường hợp miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn, đồng nghĩa với việc đề nghị giữ 2% kinh phí công đoàn (theo khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn) đồng thời thống nhất tại điểm 12 sửa đổi Điều 27 Luật Công đoàn là: chọn phương án 2 “tỷ lệ phân phối do Chính phủ quy định”
Bên cạnh đó có nhiều ý kiến đề nghị như sau:
Điều 1: đề nghị ghi khái niệm về Công đoàn Việt Nam đầy đủ như quy định tại Điều 10 Hiến pháp nước CHXHCNVN nhằm khẳng định địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn và phù hợp với các quy định của Hiến pháp
Khoản 5 Điều 4: đề nghị bổ sung thêm vào khái niệm cán bộ công đoàn chuyên trách bao gồm cả những trường hợp được sự chấp thuận của thủ trưởng đơn vị, người sử dụng lao động phân công nhiệm vụ chuyên trách công đoàn; Cán bộ công đoàn không chuyên trách bổ sung thêm “thành viên Ban Nữ công quần chúng”.
Khoản 2 Điều 9 về những hành vi bị nghiêm cấm: đề nghị bổ sung đoạn “hoặc lôi kéo người lao động để thành lập tổ chức người lao động khác tại doanh nghiệp” sau từ “công đoàn” thành Phân biệt đối xử đối với người lao động và cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn hoặc lôi kéo người lao động để thành lập tổ chức người lao động khác tại doanh nghiệp
Điều 23: Có nhiều ý kiến cho rằng: Về công tác cán bộ công đoàn các cấp phải đảm bảo và tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng về công tác tổ chức cán bộ là đúng nhưng cũng cần có quy định tăng thêm quyền cho tổ chức công đoàn được đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về công tác tổ chức cán bộ xem xét quyết định số lượng cán bộ công đoàn. Vì công tác tổ chức cán bộ của các tổ chức chính trị – xã hội khác dựa vào tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số, tỷ lệ giới của từng địa phương thì công tác tổ chức cán bộ của công đoàn cần phải dựa vào tiêu chí về quan hệ lao động mới có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn được quy định tại Điều 10 Hiến pháp và theo tinh thần Chỉ thị số 37 ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII).
Khoản 2 Điều 24: Nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên theo Luật Công đoàn năm 2012 hoặc Chính phủ có hướng dẫn cụ thể. Vì cần quy định cụ thể thời gian cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng trong 01 tháng đối với từng đối tượng, theo dự thảo ghi chung chung, do thỏa thuận giữa 02 bên như vậy rất khó khăn cho hoạt động công đoàn tại các doanh nghiệp. Nếu như Ban chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm thì nên có định mức tối thiểu về thời gian sử dụng cho hoạt động công đoàn ở cơ sở trong một tháng là bao nhiêu.
Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến của các cấp công đoàn và cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
MÂY TRẮNG
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456