TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM –––––––– Số: 12b/NQ-BCH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc –––––––––––––––––––––––– Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Khóa XI)
về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong thời gian qua Tổng Liên đoàn đã ban hành chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động, bình đẳng giới và đã được công đoàn các cấp cụ thể hóa để tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả.
– Nhận thức của ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước về trách nhiệm chỉ đạo hoạt động của ban nữ công quần chúng đã được nâng lên; công tác vận động nữ công nhân lao động được quan tâm nhiều hơn, phương thức hoạt động nữ công ngày càng được đổi mới. Đội ngũ cán bộ nữ công luôn nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết.
– Ban nữ công quần chúng công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã phát huy vai trò trong việc tham gia thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ, giúp cho nữ công nhân lao động thực hiện được quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Các phong trào thi đua đã được tổ chức góp phần động viên, khích lệ nữ công nhân lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tích cực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
2. Tuy nhiên, việc thành lập, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vẫn còn những hạn chế.
– Ban chấp hành công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa tích cực chỉ đạo việc thành lập, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng. Còn nhiều công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đủ điều kiện thành lập ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam nhưng không thành lập hoặc chỉ phân công 01 ủy viên ban chấp hành công đoàn phụ trách công tác nữ công; việc kiện toàn ban nữ công quần chúng khi có thay đổi về nhân sự ở nhiều công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn chậm.
– Ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nhiều nơi chưa kịp thời phát hiện và tham mưu giải quyết tốt một số vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là những vấn đề bức xúc liên quan đến quyền của nữ công nhân lao động. Phong trào thi đua trong công nhân lao động ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa thu hút được đông đảo nữ công nhân lao động tham gia.
3. Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan.
– Một số ban chấp hành công đoàn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ban nữ công quần chúng và chưa thực sự làm tốt vai trò chỉ đạo trực tiếp đối với ban nữ công quần chúng.
– Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; việc lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo tập huấn cho cán bộ làm công tác nữ công chưa được quan tâm thỏa đáng.
– Những quy đinh hiện hành trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam về thành lập và tổ chức hoạt động của ban nữ công quần chúng có phần chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hoạt động nữ công trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
II. QUAN ĐIỂM
– Công tác nữ công là nhiệm vụ của ban chấp hành công đoàn mỗi cấp, nhằm phát huy vai trò và đảm bảo nghĩa vụ, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật.
– Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là yêu cầu khách quan, là một trong những nội dung quan trọng nhằm góp phần thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác phụ vận và thực hiện mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu
– Tăng tỷ lệ thành lập ban nữ công quần chúng tại các công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
– Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nữ công phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay.
2.Chỉ tiêu
– Phấn đấu từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2018-2023 có 60% trở lên công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành lập ban nữ công quần chúng theo đúng qui định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
– Phấn đấu từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2018-2023 có 100% cán bộ chủ chốt công đoàn và trưởng ban nữ công công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác nữ công.
– Hàng năm, mỗi ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đăng ký với ban chấp hành công đoàn cùng cấp tổ chức ít nhất 01 hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật cho lao động nữ và thực hiện ít nhất 01 hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền của nữ công nhân lao động, đoàn viên công đoàn tại đơn vị.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ban chấp hành công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo hoạt động của ban nữ công quần chúng
– Trong các kỳ họp ban chấp hành công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hoặc khi giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của nữ công nhân lao động, đoàn viên công đoàn phải mời đại diện của ban nữ công quần chúng tham gia (trường hợp trưởng ban nữ công không là ủy viên ban chấp hành).
– Đưa nội dung chương trình công tác nữ công vào Nghị quyết Đại hội và chương trình công tác hàng năm của ban chấp hành công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
– Công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước bố trí kinh phí hàng năm cho các hoạt động của ban nữ công quần chúng theo quy định của Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên trực tiếp, đồng thời huy động thêm các nguồn kinh phí khác phù hợp với điều kiện, khả năng của đơn vị, hỗ trợ cho hoạt động nữ công.
– Hàng năm, công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tạo điều kiện cho cán bộ chủ chốt công đoàn, trưởng ban nữ công công đoàn cơ sở và các ủy viên ban nữ công quần chúng tham dự các cuộc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng công tác nữ công.
2. Thành lập, kiện toàn ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
– Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở, đặc biệt là công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất tiến hành rà soát, thống kê tình hình tổ chức, hoạt động của ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết này.
– Công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trước mỗi kỳ đại hội, cần lựa chọn nữ công nhân lao động có năng lực, tâm huyết, uy tín để cơ cấu vào ban chấp hành công đoàn, ban nữ công quần chúng. Ngay sau đại hội, chỉ định và ra quyết định thành lập, chỉ đạo hoạt động ban nữ công quần chúng theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.Kịp thời kiện toàn ban nữ công quần chúng khi có thay đổi về nhân sự.
3. Nâng cao trách nhiệm tham mưu, tổ chức hoạt động của ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
– Ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chịu sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của ban chấp hành công đoàn cùng cấp; có trách nhiệm tham mưu xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ và là đầu mối triển khai, lồng ghép các hoạt động của hội liên hiệp phụ nữ cùng cấp vào công tác nữ công.
– Phát huy vai trò của ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và khuyến khích ý tưởng của đoàn viên công đoàn trong việc chủ động đề xuất nội dung có lợi hơn cho lao động nữ trong quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ.
– Kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nữ công nhân lao động và tham mưu cho ban chấp hành công đoàn giải quyết những khó khăn, vướng mắc; Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nữ công nhân lao động, đoàn viên công đoàn về các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, nhà trẻ, mẫu giáo, chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
– Vận động chủ doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt chế độ chính sách đối với lao động nữ; vận động chủ nhà trọ tạo điều kiện cho nữ công nhân lao động, đoàn viên công đoàn được thuê nhà ở đảm bảo an toàn, vệ sinh; được sử dụng điện, nước với giá hợp lý.
– Phát triển các phong trào thi đua phù hợp với nữ công nhân lao động, đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, phù hợp với đối tượng lao động nữ nhập cư; hàng năm tổ chức biểu dương, khen thưởng cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua.
– Quan tâm hỗ trợ nữ công nhân lao động, đoàn viên công đoàn đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn giao lưu, tìm hiểu bạn khác giới, xây dựng gia đình công nhân lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
– Xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết.
– Nghiên cứu sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam về điều kiện thành lập và tổ chức hoạt động của ban nữ công quần chúng, đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay về hoạt động nữ công trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
– Biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác nữ công dành riêng cho ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
– Giao cho Ban Nữ công Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm giúp Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn theo dõi, chỉ đạo, triển khai việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ tổ chức sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết.
2. Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương.
– Chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết.
– Định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, sơ kết, tổng kết, khen thưởng theo quy định và báo cáo kết quả về Tổng Liên đoàn.
3. Đối với công đoàn cấp trên cơ sở
Các công đoàn cấp trên cơ sở, đặc biệt là công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, có chỉ tiêu cụ thể từng năm và hướng dẫn công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức thực hiện Nghị quyết; bố trí kinh phí và phân công cán bộ phụ trách thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
4. Đối với công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
Hàng năm, trên cơ sở hướng dẫn của công đoàn cấp trên cơ sở, ban chấp hành công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức thực hiện gắn với thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã nêu tại phần IV của Nghị quyết này.
Nơi nhận: – Ban Dân vận TW (B/c) – Các đ/c Uỷ viên ĐCT, BCH; – TT ĐCT TW Hội LHPN VN (P/h) – Các Ban của TLĐ; – Các LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TW và tương đương. – Lưu: VT, NC TLĐ. | TM. BAN CHẤP HÀNH CHỦ TỊCH Bùi Văn Cường |
Luật bình đẳng giới - 01/08/2018 |
Bảng chấm điểm- thi đua GVN, DVN - 01/08/2018 |
Ban Nữ công quần chúng theo Điều lệ CĐVN (KXI) - 01/08/2018 |
10 bí quyết cân bằng công việc và gia đình - 01/08/2018 |
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456