Trong phát triển kinh tế cơ chế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp ngày càng phức tạp. Điều này đòi hỏi cần có cơ chế để tạo sự hài hoà về lợi ích trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa doanh nghiệp và người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Công nhân Công ty TNHH Thủy Hải sản An Lạc trong giờ làm việc
Theo Bộ luật Lao động năm 2012, mục đích của thương lượng tập thể là nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; Xác lập các điều kiện lao động mới làm căn cứ để tiến hành ký kết thoả ước lao động tập thể(TƯLĐTT); Giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Mặt khác, Bộ luật Lao động năm 2012 cũng quy định khá cụ thể, rỏ ràng về nguyên tắc, chủ thể, nội dung, quyền của các bên yêu cầu thương lượng tập thể. Đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong thương lượng tập thể.
Xác định tầm quan trọng đó, trên cơ sở hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn, nhất là CĐCS trong các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, phối hợp với doanh nghiệp thương lượng tập thể. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, trong tổng số 69 doanh nghiệp (nơi có tổ chức Công đoàn), có 68 doanh nghiệp có xây dựng TƯLĐTT, trong đó, có 39 bản TƯLĐTT được ký kết có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Qua nghiên cứu, thống kê cho thấy, những bản TƯLĐTT có “chất lượng” đều mang dấu ấn của CĐCS trong việc đàm phán, thương lượng và đưa vào TƯLĐTT những nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Cụ thể như tại Công ty CP Tư vấn xây dựng tổng hợp Trà Vinh, bản TƯLĐTT quy định rất cụ thể những nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật như: Thưởng tìm hợp đồng cho công ty bằng 5% giá trị hợp đồng, thưởng cho sáng kiến thấp nhất 1 triệu đồng; Tăng ngày nghỉ hưởng nguyên lương gồm: bản thân kết hôn: nghỉ 07 ngày; con kết hôn nghỉ 05 ngày; cha, mẹ, vợ, chồng, con, chết: nghỉ 07 ngày; Tổ chức cho người lao động tham quan; Đám tang ông bà, cha mẹ, con: phúng điếu 500.000 đồng; Thăm hỏi người lao động bệnh nằm viện 100.000đồng/ngày; người lao động được tặng quà nhân các ngày 01/01, 30/4, 1/5, 2/9 mức 200.000 đồng; người lao động được trợ cấp trang phục từ 01 triệu đồng đến 05 triệu đồng. Còn tại Công ty TNHH MTV CY Vina quy định: Trả lương thứ 13 khi làm việc đủ 01 năm; thưởng đạt năng suất từ 50.000 đến 250.000 đồng/tháng; trợ cấp cơm trưa, cơm chiều; Phụ cấp xăng xe 100.000 đồng/tháng; phụ cấp thâm niên trên 01 năm 100.0000 đồng và cứ mỗi năm tăng thêm 100.000 đồng/tháng; phụ cấp đời sống 600.000đ/tháng; phụ cấp vệ sinh hàng tháng 50.000 đồng… Điều này cho thấy, Công đoàn, nhất là CĐCS có vai trò rất quan trọng trong thương lượng tập thể.
Thương lượng tập thể là việc tập thể lao động thảo luận, đàm phán với người sử dụng lao động nhằm mục đích sau đây: 1. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; 2. Xác lập các điều kiện lao động mới làm căn cứ để tiến hành ký kết thoả ước lao động tập thể; 3. Giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Điều 66 Bộ luật Lao động 2012 |
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy chất lượng của thương lượng tập thể còn nhiều hạn chế, điều này thể hiện ở những bản TƯLĐTT chủ yếu sao chép luật, không có nội dung mới và không có “dấu ấn” của CĐCS…
Để thương lượng tập thể đạt chất lượng, yêu cầu cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp phải nắm vững mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc, nội dung thương lượng tập thể. Đặc biệt cần có những kỷ năng cần thiết để cuộc thương lượng đạt hiệu quả.
Những kỹ năng cần thiết cho cuộc thương lượng tập thể thành công là:
– Thứ nhất là kỹ năng thu thập thông tin, đây là kỹ năng mà cán bộ Công đoàn phải xác định cần có những thông tin gì liên quan và hỗ trợ cho việc thương lượng, ví dụ: Khi thương lượng về tiền lương thì phải thu thập được các văn bản của nhà nước vê tiền lương, các số liệu về tiền lương của các đơn vị khác có cùng tính chất công việc hoặc số liệu sản xuất kinh doanh của đơn vị để so sánh. Cần lưu ý, phải cân nhắc, lựa chọn những thông tin, số liệu thật chuẩn xác và có sức thuyết phục cao nhất để sử dụng.
– Thứ hai là kỹ năng xác định mục tiêu, chỉ tiêu cần thoả thuận khi thương lương, đây là vấn đề mà cán bộ công đoàn cần thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm được lợi ích cơ bản cho người lao động với mức cao hơn hoặc bằng mức quy định của pháp luật. Mục tiêu này đòi hỏi phải hài hòa lợi ích chính đáng của người lao động và doanh nghiệp, đồng thời không làm tổn hại đến quan hệ hai bên dù nội dung thương lượng đạt hay có thể chưa đạt được kết quả như mong muốn.
– Thứ ba là kỹ năng tổ chức lấy ý kiến tập thể người lao động, theo đó cán bộ công đoàn phải biết cách tổ chức lấy ý kiến, biết cách thuyết phục, dẫn dắt dư luận, thái độ của tập thể người lao động để tạo được sự đồng thuận.
– Thứ tư là kỹ năng tổ chức cuộc thương lượng, đây là vấn đề rất quan trọng đòi hỏi cán bộ công đoàn phải chủ động liên hệ, xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình cho cuộc thương lượng, thiết lập các nguyên tắc thương lượng và hình thức thương lượng, cách phối hợp điều hành thương lượng…
– Thứ năm là phải tìm hiểu và nắm rõ tâm lý, tư tưởng, quan điểm và tính cách của đối tác để từ đó định hình cho mình phong thái, thủ thuật, tác động đến đối tác trong quá trình thương lượng, đồng thời phải xử lý nhanh những bế tắc đối với các nội dung trong khi thương lượng.
Bài, ảnh: TUẤN TÚ
1214050295713110
0918544418
0918544418
congdoantravinh
02943862456